13:31 19/04/2009

Sửa luật: Chính phủ xin “lùi”, Ủy ban quyết “tiến”

Minh Thúy

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo lắng khi Chính phủ xin lùi thời gian trình một số dự án luật với lý do chưa thực sự thuyết phục

Chính phủ đề nghị ban hành Luật Thủ đô trước đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chính phủ đề nghị ban hành Luật Thủ đô trước đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
48 dự án luật, pháp lệnh là số lượng được Chính phủ đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010

Luật Thủ đô và Luật Bưu chính được Chính phủ đề nghị bổ sung thay cho hai dự án luật đề nghị rút khỏi chương trình toàn khóa hoặc lùi thời hạn, là Luật Bảo hiểm tiền gửi và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Tuy nhiên, trong phiên họp chiều 18/4, đề nghị “lùi” hai dự án luật của Chính phủ đã không nhận được sự đồng thuận của cả cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn đề nghị bổ sung được chấp nhận.

Không muốn chậm hơn

Theo chương trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thì trong năm 2010 sẽ có 23 dự án luật được thông qua, trong đó có Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Thuế nhà, đất; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: đến hết ngày 8/4, Ủy ban này đã nhận được đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội gồm 57 dự án. Trong đó có 4 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh chưa có trong chương trình của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12.
 
Với những đề nghị của Chính phủ, qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành. Riêng với dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật đất đai thì đề nghị giữ đúng tiến độ. Vì, dự kiến ban đầu là cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4, Chính phủ xin lùi đến kỳ họp thứ 6, nay lại lùi tiếp đến năm 2010 mới chuẩn bị.

Ủy ban này đề nghị tiếp tục chuẩn bị để có thể trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2009) theo đúng tiến độ.Vì, đất đai là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên những vướng mắc về đất đai cần được giải quyết kịp thời.

Dự án luật bảo hiểm tiền gửi Quốc hội cũng đã quyết định cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 để thông qua tại kỳ họp thứ 7 cùng với dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Kế hoạch như vậy nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về ngân hàng, tín dụng. Song, Chính phủ xin rút dự án này ra khỏi chương trình năm 2009 nhưng không nói rõ lý do.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường “thanh minh” là cần thông cảm cho Ngân hàng Nhà nước, cùng lúc làm ba luật lớn thì rất khó khả thi. Dự luật  bảo hiểm tiền gửi chỉ xin “lùi một nhịp” để theo dõi đánh giá tìm mô hình thích hợp, vì khủng hoảng tài chính khó lường.

Lý do xin lùi sửa Luật Đất đai, theo Bộ trưởng vì có tới 9 vấn đề bức xúc cần sửa đổi, nên tránh sửa luật vội vàng không giải quyết hết bức xúc. Từ năm 1987 đến nay đã sửa 5 lần rồi mà nay vẫn phải sửa, nên có nhiều thời gian thì sửa sẽ tốt hơn, ông Cường nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên không tán thành. Theo ông, 70%  khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai. Và việc sửa luật này đã rục rịch từ vài năm rồi chứ không phải mới đặt ra. Ông cũng đề nghị phải ưu tiên cho dự án luật bảo hiểm tiền gửi, vì càng trong điều kiện không bình thường thì càng nên đặt ra vấn đề sửa luật này, tránh để người có tiền gửi hết xoay từ nội tệ sang ngoại tệ rồi lại đến vàng…

“Tự nhiên xin rút, tự nhiên xin bổ sung”

Việc chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, thiếu nghiêm túc… của một số dự án luật khiến nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cảm thấy phiền lòng, lo lắng.

Bên cạnh hai dự án luật nói trên, đại biểu Nguyễn Văn Thuận còn chỉ ra một số dự án luật khác như luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật thanh tra, luật ngân sách (sửa đổi), luật báo chí (sửa đổi)… Chính phủ cũng đề nghị rút nhưng chưa có văn bản chính thức. Một số dự án khác chưa được trình đúng tiến độ.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cứ với cách làm như vừa qua thì sẽ không thể hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và cả nhiệm kỳ khóa 12.

Ông cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó có việc chưa dành thời gian hợp lý và chưa đề cao tinh thần trách nhiệm của một số cơ quan chủ trì soạn thảo dự án. Cứ bàn một thôi một hồi rồi lại thôi, thực sự là chưa nghiêm túc, ông nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Thuận, thì việc xây dựng luật không chỉ làm theo ý kiến của Chính phủ mà còn theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức khác. Nên không phải cứ Chính phủ có ý kiến mới làm.

Tán thành cao với những hạn chế mà Ủy ban Pháp luật đã nêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm việc “xin đưa dự án luật vào chương trình bằng được, vào rồi thì xin rút ra bằng được”. Việc sửa luật không dựa trên cơ sở khoa học mà cứ áng chừng cần sửa là đưa vào kế hoạch.

Cũng theo Chủ tịch, thời gian qua vẫn còn có không ít cơ quan không coi trọng việc soạn thảo dự án luật, dẫn đến tình trạng khi đã trình ra Quốc hội mà ý kiến của các bộ vẫn khác nhau. Chủ tịch yêu cầu phải sắp xếp các dự luật theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng “tự nhiên xin rút, tự nhiên xin bổ sung”.

* Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 12 gồm 128 dự án. Trong đó chương trình chính thức có 83 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh, chương trình chuẩn bị có 35 dự án luật. Năm 2008 Quốc hội điều chỉnh chương trình bổ sung 6 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh vào chương trình nhiệm kỳ. Tính đến hết tháng 3/2009 có 27 luật, 10 pháp lệnh đã được thông qua.