15:52 10/02/2022

Lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới giảm mạnh trong tháng 1/2022

Kiều Linh

Trong khi tháng 11 và tháng 12/2021 ghi nhận kỷ lục số tài khoản cá nhân trong nước mở mới thì tháng 1/2022 cho thấy con số này quay xe giảm mạnh.

Lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới giảm mạnh trong tháng 1/2022 - Ảnh 1

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 1/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 195.068 tài khoản chứng khoán, giảm 31.512 tài khoản so với thời điểm kỷ lục mở tài khoản trong tháng 12/2021. Con số này cũng giảm mạnh so với thời điểm tháng 11/2022 là 220.000 tài khoản.

Tính đến thời điểm cuối tháng 1/2022, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 4,45 triệu tài khoản. Còn số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài là 35.676 tài khoản, tăng 4 tài khoản so với thời điểm cuối năm 2021.

Trước đó, năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Cùng với số tài khoản mở mới liên tiếp lập kỷ lục, trong năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã “đổ” hơn 4 tỷ USD mua ròng cổ phiếu thông qua khớp lệnh. Thống kê từ FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng bền bỉ trong 12 tháng năm 2021. Tính riêng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh của nhóm này đã lên đến con số gần 93.079 tỷ đồng, tương ứng hơn 4 tỷ USD.

Lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới giảm mạnh trong tháng 1/2022 - Ảnh 2

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, cùng với số lượng tài khoản mở mới quay đầu giảm, nhiều dự báo cho rằng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ không còn cuồn cuộn vào thị trường nữa khi động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán nay đã không còn nhiều. Trong khi đó, chứng khoán còn đang chịu áp lực quá lớn đến từ lạm phát, Fed tăng lãi suất, căng thẳng Nga với Ukraina hay cả với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng Chính phủ vừa công bố. Các kênh đầu cơ khác cũng hấp dẫn không kém như đất, vàng, tiền ảo.

Thực tế cho thấy, dòng tiền vào thị trường đã có tín hiệu giảm, tâm lý nhà đầu tư bắt đầu lừng khừng, thanh khoản lao dốc đáng kể. Tháng 11/2021, thanh khoản toàn thị trường trung bình 40.000 tỷ đồng/phiên, tháng 12/2021 giảm mạnh 17% còn đâu đó khoảng 33.000 tỷ đồng/phiên. Bước sang tháng 1/2022, thanh khoản chỉ còn 19.400 tỷ đồng/phiên. 10 phiên giao dịch gần nhất, thanh khoản trung bình chỉ còn 15.000 tỷ đồng, giảm một nửa so với thời điểm cuối năm 2021.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư S-Talk cũng vừa đưa ra ba kịch bản cho thị trường năm 2022. Trong kịch bản tệ nhất, vị này cho rằng, đây sẽ là một năm khó khăn của chứng khoán. Dù có những thời điểm VN-Index đi lên, nhưng nhìn chung sẽ là một năm thất bại cho đa số nhà đầu tư. Thanh khoản rời xa, dòng tiền rút đi không chỉ làm suy yếu điểm số, mà còn là tác nhân bào mòn tài khoản nhanh chóng. Con số 1.500 có thể là mơ ước của thị trường mà không thể đạt được trong năm nay. VN-Index đóng cửa ở mức dưới 1.400. Xác suất cho kịch bản này là 10%.