“Sóng thần” cổ phiếu đầu cơ đã chấm dứt, tiền không còn dễ dãi và chỉ tập trung vào cổ phiếu tốt?
Sự điều chỉnh tập trung ở nhóm các cổ phiếu có vốn hóa trung bình thấp trong tháng 1 là tín hiệu ban đầu cho sự dịch chuyển dòng tiền sang nhóm vốn hóa lớn...
Thời điểm huy hoàng nhất của cổ phiếu đầu cơ chính là 3 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc cùng với Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu trong cùng một tuần đã châm ngòi cho nhóm này nổ tung. Hàng loạt cổ phiếu penny, cổ đầu cơ giảm sàn la liệt, lao dốc kể từ đầu năm đến nay.
CỔ PHIẾU ĐẦU CƠ HẾT THỜI?
Sóng thần cổ phiếu bất động sản đã tung QCG, DIG tăng gấp đôi, gấp ba trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, sau khi vụ Thủ Thiêm lộ nhà đầu tư bỏ cọc, hai mã này cũng cắm đầu lau sàn, nhiền phiên "múa bên trăng". Thị giá của QGC kết phiên 9/2 là 12.950 đồng/cổ phiếu, giảm gần một nửa từ đỉnh 22.000 đồng được thiết lập vào phiên 11/1/2022. DIG cũng tương tự khi giảm từ vùng giá đỉnh lịch sử 120.000 đồng về mức 68.000 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt cổ phiếu khác cùng chung số phận như HQC, CEO, LDG.
Đối với họ hàng nhà FLC, mô hình giao dịch cây thông "noel" nổi bật nhất trên cả ba sàn. Thị giá FLC rơi một mạch từ vùng 24.000 đồng xuống còn 11.000 đồng/cổ phiếu; KLF từ 11.000 đồng xuống còn 6.000 đồng trong vòng 1 tháng. ROS tương tự khi giảm từ 16.000 đồng về vùng 6.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu. HAI, AMD cùng chung thảm cảnh.
Sóng cao kỷ lục chưa từng có ở cổ phiếu FCN nhờ được đánh giá hưởng lợi nhất nhờ đầu tư công kể từ khi thị trường rò rỉ thông tin Quốc hội chính thức bàn về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng trong đó có đến gần 114.000 tỷ đồng dành cho kết cấu hạ tầng. Trong vòng hai tháng, thị giá FCN tăng gấp hơn hai lần từ 16.000 đồng lên 36.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay sau khi có tin chính thức, Quốc hội thông qua, Chính phủ đưa ra chi tiết gói này, cổ phiếu FCN lập tức quay đầu giảm. Tính từ đầu năm, thị giá của FCN đã giảm 1,5 lần, hiện đang neo ở mức 23.150 đồng/cổ phiếu. Đáng lưu ý, trước khi thị giá FCN giảm, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp này đã thoát hàng thành công.
Điều mà nhiều nhà đầu tư mong mỏi nhất ở FCN chính là kết quả tài chính quý 4 sẽ bứt phá, đây cũng là lý do mà thị giá FCN dựng ngược trong cuối năm 2021. Tuy nhiên, trong một báo cáo vừa công bố, FCN còn ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh trong quý 4/2021. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý 4/2021 đạt 51 tỷ đồng, giảm đến gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu nhất là do Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu và triển khai các dự án của khách hàng. Chi phí lãi vay đã thế tăng mạnh 22,2% do dự án Metroline 3 Hà Nội dừng triển khai, kéo dài thời gian vay vốn.
TIỀN THÁO CHẠY KHỎI NHÓM ĐẦU CƠ, VỐN HOÁ NHỎ
Thống kê cho thấy, nhóm VnSmallcap - chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ đã giảm 14% trong vòng một tháng qua. VnMidcap giảm khoảng 15,8%. Ngược lại, VN30 đang có xu hướng tăng nhẹ.
Thanh khoản cũng đã rời xa nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch bình quân của VnSmallcap giảm từ trung bình 5.691 tỷ đồng/phiên tháng 11/2021 xuống còn 4.551 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2021. Đến tháng 1/2022, thanh khoản trung bình theo phiên của nhóm này tiếp tục giảm chỉ còn 3.5000 tỷ đồng/phiên, giảm đến 22,2%.
Tương tự, tại VnMidcap thanh khoản giảm từ 11.399 tỷ đồng/phiên trong tháng 11/2021 xuống còn 10.187 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2022. Đến tháng 1/2022, thanh khoản nhóm này chỉ còn 8.800 tỷ đồng, giảm 13,6%.
Ngược lại, thanh khoản nhóm VN30 quay đầu tăng mạnh trong tháng vừa qua. Nếu như thanh khoản tháng 12/2021 là 9.000 tỷ đồng thì tháng 1/2022, thanh khoản nhóm này bật tăng lên 10.800 tỷ đồng/phiên, so với bối cảnh chung dòng tiền đang chững lại thì đây vẫn là con số ấn tượng. Thanh khoản VN30 đã chiếm đến 45% giá trị giao dịch toàn thị trường, trong khi trước đó thanh khoản nhóm này chỉ chiếm khoảng 27% trong tháng 12/2021.
ĐẾN THỜI CỦA CỔ PHIẾU CƠ BẢN?
Dòng tiền quá rỗi rãi và thừa thãi trên thị trường chính là nguồn cơn của mọi con sóng thần đầu cơ trong suốt năm giao dịch 2021 vừa qua. Tuy nhiên, sóng thần đầu cơ nhiều khả năng đã chấm dứt bởi dòng tiền năm 2022 được dự báo sẽ không vào quá nhiều như trước nữa, các cơ quan quản lý nhà nước gần đây cũng đã có nhiều hơn biện pháp xử lý mạnh tay hành vi trục lợi từ thao túng giá cổ phiếu giai đoạn trước, trong khi đó, các cổ phiếu kết quả kinh doanh tốt nay đã chiết khấu về vùng hấp dẫn.
Cổ đầu cơ lúc nào cũng có, do đó, nếu có xuất hiện thì cũng không thể hùng hổ theo lớp theo lang, theo ngành như trước nữa.
Thống kê của SSI Research trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 2/2022 cũng cho thấy, giá trị giao dịch bình quân một phiên trên HoSE đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 5,1% so với tháng cuối năm 2021. Dù vậy, sự sụt giảm này đến chủ yếu từ nhóm vốn hóa nhỏ (VNSmallcap); trong khi giá trị giao dịch nhóm vốn hóa lớn (VN30) vẫn tăng trưởng tương ứng 7,1%.
Theo nhóm ngành, Dầu khí và Ngân hàng có giao dịch sôi động vượt trội thị trường chung. Giá trị giao dịch bình quân ở 2 nhóm này tăng mạnh 61% và 43,9% so với tháng liền trước trong bối cảnh dòng tiền suy giảm ở hầu hết các nhóm ngành khác. Dòng tiền là yếu tố dẫn dắt chính giúp 2 nhóm Tài chính tăng 3,6% và Tiện ích tăng đi ngược với xu hướng điều chỉnh chung của thị trường.
"Sự điều chỉnh tập trung ở nhóm các cổ phiếu có vốn hóa trung bình thấp trong tháng 1 là tín hiệu ban đầu cho sự dịch chuyển dòng tiền sang nhóm vốn hóa lớn", SSI Research nhấn mạnh.
Theo quan điểm của SGI Capital - một công ty quản lý chuyên về vốn cổ phần tại Việt Nam, 2022 sẽ không có chỗ cho dòng tiền dễ dãi và những kỳ vọng mộng mơ. Diễn biến tích cực của những cổ phiếu có cơ bản tốt và định giá hấp dẫn trong những tuần đầu năm mới đang cho thấy sự quay trở lại của dòng tiền đầu tư.
Trọng tâm của thị trường tài chính quý 1 và quý 2 sẽ là những kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tận dụng sự hồi phục của kinh tế Việt Nam và mở cửa của thế giới. Từ đây tới mùa Đại hội cổ đông, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2022 của các doanh nghiệp sẽ là tâm điểm chú ý của dòng tiền.
"Trong quá khứ những tài sản mang tính đầu cơ cao được hưởng lợi nhiều từ dòng tiền dễ dãi thì nhóm này sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất khi thanh khoản không còn dồi dào. Có thể liệt kê ra như cổ phiếu công nghệ, tài sản số như đồng tiền số, tài sản liên quan đến mã hoá cũng bị ảnh hưởng vì được coi là đầu cơ. Với thị trường cổ phiếu thì những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao sẽ bị ảnh hưởng", ông Ông Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc SGI Capital nhấn mạnh.
Còn Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt dự báo, đến năm 2022, dòng tiền nội sẽ khó có thể vào mạnh như giai đoạn 2020 – 2021. Mặt bằng giá cổ phiếu đã ở mức khá cao và sẽ phân hóa mạnh theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.