06:00 26/08/2021

Lương, thưởng ngành năng lượng giảm mạnh vì Covid-19

Nhật Dương

Theo báo cáo của Navigos Group, 45% ứng viên tham gia khảo sát cho thấy lương, thưởng của họ giảm mạnh so với thời điểm trước Covid-19, 35% đã bị giảm lương, không có thưởng và cũng không có tháng lương thứ 13 trong năm 2020….

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin này được Navigos Group cho biết trong báo cáo Nhân sự ngành năng lượng: Cơ hội việc làm và thách thức để thích nghi với yêu cầu tuyển dụng mới vừa phát hành.

Năng lượng là ngành công nghiệp mà Chính phủ đã định hướng trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

LƯƠNG, THƯỞNG ĐỀU GIẢM MẠNH

Dữ liệu cho thấy, 35% các ứng viên tham gia khảo sát bị giảm lương, không có thưởng và cũng không có tháng lương thứ 13 trong năm 2020.

Tiếp theo, 24% cho biết họ phải tăng giờ làm, tăng các khối lượng công việc của các bộ phận khác hoặc phải làm các công việc không đúng chuyên môn. Covid-19 cũng khiến việc thăng tiến bị chậm hoặc hoãn, chiếm 18%.

Đứng đầu trong các khó khăn mà ứng viên ngành này đang gặp phải là việc đảm bảo sức khỏe trong thời kỳ phức tạp của dịch bệnh, với 92% ý kiến. Tiếp tục liên quan đến lương, thưởng, 45% ứng viên tham gia khảo sát cho biết lương, thưởng của họ giảm mạnh so với thời điểm trước Covid-19.

Bên cạnh đó, 39% ứng viên thể hiện sự khó khăn khi phải làm việc xa nhà, 27% lo lắng trong việc bảo đảm giữ được công việc hiện tại và 25% cảm thấy khó khăn khi phải cạnh tranh công việc với các ứng viên người nước ngoài.

Đứng đầu tiên trong các thách thức mà ứng viên ngành năng lượng đang gặp phải là các cơ hội thăng tiến chậm và ít, chiếm 55%. Tiếp theo là yếu tố đi lại nhiều, thường xuyên làm việc xa gia đình có 51% đồng tình. Đứng thứ ba là yếu tố không có nhiều chính sách ưu đãi tại doanh nghiệp đang làm việc, bao gồm phúc lợi xã hội, lương thưởng, bảo hiểm dành cho gia đình...

Theo sau là yếu tố môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm, với 46% ứng viên lựa chọn. 45% cho biết thách thức mà họ đang gặp đó chính là chế độ lương, thưởng và phúc lợi xã hội được đảm bảo và không bị cắt giảm.

LƯƠNG VÀ PHÚC LỢI: YẾU TỐ THU HÚT NHẤT ĐỂ GIỮ CHÂN NHÂN TÀI

Theo Navigos Group, lương cao đứng đầu trong danh sách các yếu tố giữ chân nhân tài ở góc nhìn của ứng viên, với 65% lựa chọn. 52% ý kiến lựa chọn yếu tố quy mô dự án và mức độ ổn định của công việc. Đứng thứ ba là yếu tố môi trường làm việc an toàn, với 50% ứng viên đồng tình.

Ngược lại, lương, thưởng và phúc lợi xã hội cũng chính là lý do lớn nhất khiến ứng viên rời tổ chức.

Navigos Group cho rằng, không có nhiều bất ngờ trong sự lựa chọn của ứng viên, khi có tới 79% cho biết họ sẽ rời khỏi tổ chức hiện tại nếu liên quan đến các yếu tố lương, thưởng và phúc lợi xã hội. 73% chọn yếu tố liên quan đến môi trường làm việc, sau đó mới đến cơ hội thăng tiến trong công việc. 

Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy, có 61% ứng viên cho biết có mong muốn chuyển việc. Cụ thể, 26% muốn chuyển việc trong vòng 3 tháng tới, 19% muốn chuyển việc trong 6 tháng tới và 16% muốn chuyển việc trong 9 tháng tới.

Mặc dù vậy, có đến 64% ứng viên không lạc quan trước các cơ hội việc làm mới trong những tháng cuối năm. Điều này thể hiện qua 27% ứng viên đánh giá ít cơ hội việc làm hơn so với những năm trước. 19% cho rằng cơ hội việc làm nhiều, nhưng địa điểm làm việc xa nhà nên không hấp dẫn; 18% cho biết cơ hội việc làm nhiều nhưng sự cạnh tranh với các ứng viên nước ngoài cao.

Để thu hút ứng viên trong ngành này, Navigos Search khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện môi trường làm việc nhằm đảm bảo sự an toàn cao nhất cho người lao động, do đây là yếu tố xuyên suốt được ứng viên rất quan tâm.

Đồng thời, cũng cần tiếp tục cải thiện các yếu tố liên quan đến lương, thưởng, phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, cả kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn, cũng như các kỹ năng cải thiện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, giúp người lao động vượt qua những giai đoạn khó khăn trước mắt do tác động của dịch bệnh Covid -19.