Lường trước khó khăn, doanh nghiệp hy vọng vào triển vọng 2022
Sức chống chịu của doanh nghiệp đã giảm sút sau gần 2 năm chống chọi với “bão” Covid-19 nhưng với việc thay đổi chiến lược phòng, chống dịch, khu vực doanh nghiệp vẫn tin tưởng về triển vọng kinh doanh năm 2022...
Năm 2021 đã khép lại với đầy rẫy khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp phải gồng mình để vượt qua trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan và kỳ vọng năm 2022 sẽ là năm để khôi phục sản xuất – kinh doanh sau thời gian dài bị kìm hãm.
DOANH NGHIỆP LÊN KẾ HOẠCH CHO NĂM 2022
Với việc tăng tỷ lệ tiêm chủng, thay đổi chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và đặc biệt là việc mở lại đường bay thương mại kể từ tháng 1/2022, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings nhận định, ngành du lịch sẽ khởi sắc hơn.
“Bước sang năm 2022, Vietravel đã đề ra những mục tiêu, kế hoạch rất cụ thể, trong đó việc đầu tiên công ty triển khai là phải hoàn tất phần tái cấu trúc doanh nghiệp. Vì thị trường hiện nay đã ảnh hưởng và làm thay đổi toàn bộ cấu trúc kinh doanh, do đó cấu trục bộ máy doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo”, ông Kỳ cho biết.
Cùng với đó, Vietravel sẽ điều chỉnh lại hệ thống sản phẩm phù hợp với tình hình mới. Khi dịch chưa được kiểm soát người dân sẽ có xu hướng đi du lịch “ít chạm” và các chuyến đi sẽ mang tính cá nhân, theo nhóm gia đình hoặc bạn bè. Theo đó, hệ thống sản phẩm cũng phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của du khách.
“Về chiến lược dài hạn, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch 2022–2025 và 2025-2030 cho Vietravel cũng như Vietravel Airlines để từng bước quay trở lại thời điểm kinh doanh trước dịch”, ông Kỳ chia sẻ và nhấn mạnh “Vietravel rất kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường sau 2 năm khủng hoảng vì Covid-19”.
Sau gần 5 tháng “nghỉ dịch”, Công ty cổ phần Nhôm Việt Dũng đã có sự tăng trưởng trở lại trong 2 tháng cuối năm 2021. Vì vậy, theo bà Bùi Phương Thảo Len, Giám đốc Thị trường và Marketing của Nhôm Việt Dũng, công ty đang rất kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2022 khi các hoạt động đầu tư dần nhộn nhịp. “Chúng tôi đã kết nối lại với các đối tác, các đại lý để chuẩn bị kế hoạch cho năm tới khi hoạt động đầu tư được dự báo tăng mạnh từ nhu cầu của người dân cũng như của khu vực Nhà nước”, bà Thảo Len cho biết.
Cùng với đó, bước vào năm 2022, công ty cũng định hướng sẽ kết hợp với các đối tác nước ngoài nhằm đa dạng đối tác cũng như phát triển sản phẩm mới để mở rộng kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
DOANH NGHIỆP VẪN LẠC QUAN VÀ TIN TƯỞNG
Không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hay xây dựng, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê khảo sát trong quý 4/2021 cũng cho thấy những kỳ vọng trong năm 2022.
Cụ thể, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý 1/2022 sẽ tốt lên so với quý 4/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 83,1% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 4/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 82% và 81,2%.
Đáng chú ý, dự báo về khối lượng sản xuất trong quý 1/2022, có 45,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 17,4% số doanh nghiệp dự báo giảm và 37,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định. Ngoài ra, có 41,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; chỉ có 16,8% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Đặc biệt, về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 37,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
“Những con số trên cho thấy các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1/2022. Đây là những chỉ báo tích cực cho sự phục hồi của doanh nghiệp trong năm 2022”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÙ HỢP
Theo một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, từ tháng 10/2021 gần như hoạt động của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đã hoạt động tương đối ổn định, đến nay đã có trên 96% doanh nghiệp sản xuất đã trở lại hoạt động.
Trong đó, khởi động nhanh nhất là các doanh nghiệp FDI, kế đến là các doanh nghiệp “3 tại chỗ”, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và cuối cùng là doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về lao động, vốn vay để chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất năm 2022.
“Các doanh nghiệp đang cần một gói hỗ trợ tiếp cận được nguồn vốn nhanh, những chính sách miễn và giảm thuế”, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội đề xuất.
Cụ thể, theo ông Việt Anh, nguyên vật liệu của doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu từ 70-80%, nhưng khi hàng hoá về doanh nghiệp phải đóng thuế VAT ngay, do đó doanh nghiệp rất mong muốn được giãn thời gian nộp thuế này.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đến 10% GDP của cả nước. Để giữ vững và duy trì ngành kinh tế mũi nhọn như thế, Đảng và Nhà nước cần có một kế hoạch tổng thể về chiến lược hồi phục du lịch trở lại. Theo đó, chính sách của Đảng và Nhà nước cần có sự đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là không được mỗi nơi ra một kiểu chính sách, tránh gây khó cho các đơn vị kinh doanh du lịch.
“Hiện nay, chúng ta đưa ra rất nhiều chính sách, nhưng nếu không thực hiện một cách triệt để thì ngành du lịch rất khó phục hồi trở lại. Vietravel cũng đã kiến nghị nhiều lần những chính sách về tài khóa, tài chính, ưu đãi hoàn, miễn giảm thuế … cũng như phục hồi hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch vì nếu hệ thống hạ tầng không mở thì du lịch có mở ra cũng không giải quyết được vấn đề”, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, từ nay đến giữa năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phục hồi. Nhưng để mục tiêu này trở nên thực tế hơn, các chính sách tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đưa ra cần thông thoáng và có các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt. “Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành gần như tê liệt vì phải đóng cửa, 60% doanh nghiệp rất khó phục hồi lại được”, bà Lan cho biết.
Vì vậy, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Chính phủ có chính sách cụ thể hỗ trợ từng loại doanh nghiệp lữ hành, từ doanh nghiệp phải phá sản, giải thể đến các doanh nghiệp cố gắng hoạt động trở lại. Cùng với đó là việc tạo điều kiện đón khách du lịch quốc tế, có sự ưu tiên trong tiêm vaccine cho nhân lực trong lĩnh vực du lịch; xác định áp dụng ứng dụng công nghệ 4.0.