09:33 01/08/2013

Lưu ý đảm bảo “điểm rơi chính sách”

Anh Minh

Nội dung chính bản báo cáo mới nhất mà Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trình lên Chính phủ

Trong những tháng cuối năm, cần ưu tiên hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng một cách hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc đẩy nhanh các gói chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, đồng bộ và đủ liều lượng - Ảnh: DNSG.<br>
Trong những tháng cuối năm, cần ưu tiên hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng một cách hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc đẩy nhanh các gói chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, đồng bộ và đủ liều lượng - Ảnh: DNSG.<br>
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia kiến nghị rằng trong thời gian còn lại của năm 2013, hoạt động điều hành vĩ mô cần linh hoạt để đảm bảo “điểm rơi chính sách”.

Bản báo cáo mới nhất mà cơ quan này trình lên Chính phủ nhấn mạnh rằng công tác điều hành chính sách trong giai đoạn tới cần “tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhằm củng cố niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư”.

Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, cần ưu tiên hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng một cách hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc đẩy nhanh các gói chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, đồng bộ và đủ liều lượng.

Cụ thể hơn, Ủy ban cho rằng cần “quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và kịp thời điều chỉnh liều lượng các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp chính sách nhanh chóng thẩm thấu vào nền kinh tế, đảm bảo “điểm rơi chính sách” chính xác, tránh chậm trễ trong việc điều chỉnh tạo nên tình trạng thiếu vốn đầu tư khiến mục tiêu tăng trưởng năm nay khó thực hiện nhưng lại tạo hệ lụy gia tăng lạm phát trong các năm sau”. 

“Xét trên nền tảng kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá (giá điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường và áp dụng tỷ giá linh hoạt. Tuy nhiên, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cũng cần phải tính toán hợp lý để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường”, báo cáo viết.

Đánh giá về tình hình kinh tế hiện nay, Ủy ban cho rằng tăng trưởng kinh tế có một số dấu hiệu chuyển biến nhưng vẫn ở mức thấp và đối mặt nhiều khó khăn để có thể đạt mục tiêu cả năm là 5.5%.

“Mục tiêu tăng trưởng cả năm 5.5% vẫn là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Với kết quả GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 4,9%, tương đương với cùng kỳ năm 2012 (4,93%), tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây khiến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5% sẽ gặp nhiều khó khăn”, báo cáo viết.