“Made in Vietnam” nhìn từ nghi án hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt của Asanzo
Chuyên gia kinh tế nhận định Asanzo có dấu hiệu lừa dối người dùng có chủ ý dựa trên những quy định chưa rõ ràng về "Made in Vietnam"
Thời gian qua xuất hiện loạt thông tin lùm xùm vụ Asanzo nhập linh kiện rồi xé nhãn Trung Quốc, lột tem và dán tem nhãn "made in Vietnam" vào để bán khiến dư luận bức xúc. Trong khi người đứng đầu Asanzo là ông Phạm Văn Tam giải thích rằng người tiêu dùng đang hiểu lầm họ thì dư luận và truyền thông cũng tung ra không ít bằng chứng cho thấy doanh nghiệp này đã xé nhãn, "phù phép" sản phẩm Trung Quốc thành hàng Việt Nam nhưng lại được quảng cáo với cái gọi là "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".
Lừa dối có chủ ý?
Một chuyên gia kinh tế khi được VnEconomy tham vấn, nhìn nhận việc Asanzo nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp nên chiếc TV không có gì đáng nói. Cái sai của Asanzo ở đây là đã xé tem nhãn Trung Quốc hoặc dán đè lên, thể hiện việc cố tình che dấu, lừa dối khách hàng về xuất xứ các linh kiện trong sản phẩm.
"Cái sai lớn nhất của Asanzo là ở đó vì đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng có chủ ý. Cần lên án hành vi này để xây dựng đạo đức kinh doanh trung thực cho các doanh nghiệp khác", vị chuyên gia cho hay.
Tuy vậy, chuyên gia này cũng cho rằng không nên đánh đồng việc lên án hành vi kinh doanh sai trái ở trên với việc nhập khẩu linh kiện Trung Quốc về để lắp ráp. Thế giới hiện nay là thế giới phẳng, và việc đó là tất nhiên khi Trung Quốc là công xưởng của cả thế giới.
Bản thân Samsung Việt Nam cũng nhập rất nhiều linh kiện từ Trung Quốc, và nhiều doanh nghiệp khác cũng tương tự.
"Asanzo sẽ không bị bắt lỗi nếu để nguyên tem nhãn Trung Quốc trên các linh kiện và chỉ dán nhãn ở ngoài vỏ là "Assembled in Vietnam" (lắp ráp ở Việt Nam - PV).
"Ghi nhãn "Made in Vietnam" trong khi hàm lượng sản xuất ở Việt Nam rất ít (như trong phóng sự của báo Tuổi Trẻ nêu) cũng cần phải xem xét. Nhưng điều này một phần có thể do việc chưa có quy định rõ ràng thế nào là "Made in Vietnam.
Mơ hồ khái niệm "Made in Vietnam"?
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa đều phải ghi nhãn cho hàng hóa (trừ một số trường hợp đặc biệt).
Điều 10 Nghị định 43 ghi rõ nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.
Điều 15 Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
Tuy nhiên, xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng.
Vị chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với đó là việc đã ban hành nhiều quy định (ở cấp Thông tư của Bộ Công Thương) về việc xác định xuất xứ, nhưng các quy định này đều là xuất xứ gộp, bao gồm cả Việt Nam và các nước khác.
Ví dụ, trong ASEAN nếu đạt được hàm lượng giá trị khu vực 40% trở lên thì được coi là có xuất xứ ASEAN. Trong 40% này có thể là 20% của Thái Lan, 10% của Malaysia, 5% của Philippines và chỉ có 5% của Việt Nam. Như vậy, việc đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN (được cấp C/O Mẫu D) chưa nói lên hàng hóa đó có xuất xứ Việt Nam hay không.
"Đã có một Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam. Nhưng cũng giống như các Thông tư ở trên, Thông tư này chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Chưa có một quy định nào lấy các tiêu chí của Thông tư 05 để coi đó là "hàng Việt Nam" hay hàng "sản xuất tại Việt Nam" cả.
Nói cách khác, chúng ta chưa có một thước đo rõ ràng để xác định quá trình sản xuất thế nào, hàm lượng giá trị bao nhiêu thì doanh nghiệp có thể tự tin dán nhãn "made in Vietnam" lên sản phẩm", ông nói.
Ngay Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng chưa có định nghĩa thế nào là "hàng Việt Nam" để người Việt Nam biết và ưu tiên lựa chọn, sử dụng.
Từ cách đây hơn một năm, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng và hiện nay đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định hàng hóa thế nào thì được gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam/Made in Viet Nam".
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, việc phân công lao động, bố trí chuỗi cung ứng trải rộng trên nhiều quốc gia khác nhau là rất phổ biến. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp Việt Nam (kể cả doanh nghiệp FDI tại Việt Nam) đặt gia công, sản xuất một số chi tiết, bộ phận ở nước ngoài rồi tiếp tục sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam là bình thường.
Đã có những sản phẩm điện thoại của Samsung, giày của Nike, máy in của Canon, túi xách của Coach, áo của Pierre Cardin là hàng "Made in Viet Nam", và chẳng ai kêu ca là tại sao những thứ đó không làm ở Hàn Quốc, Mỹ Nhật Bản hay là Pháp cả.
Doanh nghiệp nước ngoài có thể mua, đặt gia công hàng hóa tại Việt Nam rồi hoàn thiện ở nước khác. Đã chấp nhận là gia công, bán thô thì không thể đòi người ta lấy thương hiệu của mình để gắn với tên sản phẩm cuối cùng.
"Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ sản xuất, chế biến ở Việt Nam như thế nào, chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá trị sản phẩm nên doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất lúng túng khi không biết phân định một sản phẩm có phải là "hàng Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam". Còn những doanh nghiệp gian dối thì có thể lợi dụng sự chưa rõ ràng đó để tự khoác lên mình chiếc áo hàng Việt để làm các chiêu trò marketing", vị chuyên gia cảnh báo.
Do quy trình sản xuất, gia công hiện nay đã phức tạp hơn nhiều nên không còn khái niệm "Made in Viet Nam" đơn thuần nữa, mà có những cách ghi nhãn khác, phản ánh sát hơn về giá trị, công đoạn sản xuất tại nước sở tại. Ví dụ như các cách ghi "Assembled in..." (Lắp ráp tại), "Designed by..." (Thiết kế bởi), "Distilled and bottled in..." (Chưng cất và đóng chai tại...).