06:00 23/08/2021

"Mạnh tay" với dự án đầu tư công "lụt" tiến độ

Anh Nhi

Sốt ruột với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu của 34 bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% phải có giải pháp cụ thể để khắc phục và sẽ thực hiện điều chuyển vốn sang các bộ, cơ quan, địa phương khác nếu tỷ lệ giải ngân đến quý 3/2021 vẫn dưới 60%...

Nhiều dự án đầu tư công rơi vào tình cảnh "lụt" tiến độ.
Nhiều dự án đầu tư công rơi vào tình cảnh "lụt" tiến độ.

Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021 giải ngân vốn đầu tư công đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

NHIỀU BỘ NGÀNH, CƠ QUAN "ĐỘI SỔ" GIẢI NGÂN

Đáng chú ý, nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Thông tin và Truyền thông (0,40%), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (0,56%),  Bộ Ngoại giao (2,57%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,67%), Hội Nông dân Việt Nam (2,7%), Bắc Kạn (8,37%), Quảng Bình (15,46%), Cao Bằng (15,84%), Đắk Lắk (15,86%)…

Thậm chí, một số cơ quan như Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến hết tháng 7/2021 vẫn chưa giải ngân được vốn đầu tư công.

Vì vậy, mới đây, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, chấn chỉnh và có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới.

“Trong bối cảnh này, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cho bộ ngành, địa phương là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc liên tục thực hiện các đợt giãn cách xã hội trên diện rộng và trong nhiều tháng qua là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư vốn ngân sách nhà nước “lụt” tiến độ.

Còn theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bên cạnh những yếu tố cộng hưởng như thực hiện giãn cách do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, giá vật liệu xây dựng leo thang, tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” trong đầu tư công tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2021 cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư “ì ạch”.

“Giai đoạn đầu năm, chủ đầu tư và nhà thầu mới bắt đầu quá trình chuẩn bị đầu tư như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công lúc này thường thấp”, ông Phương nói.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Hơn nữa, đối với dự án không có cấu phần xây dựng như mua sắm công thường chỉ thanh toán một lần tới khi hàng hóa, thiết bị được nhập về nên giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ tăng vọt vào thời điểm đó. “Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giải ngân vốn đầu tư công của những dự án không có phần cấu phần xây dựng rất thấp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Trong công điện gửi tới các bộ ngành, địa phương về việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng chậm trễ trong giải ngân là do những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

“Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...”, công điện chỉ rõ.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN TRÊN 95%

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giải ngân thấp không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ.

“Bên cạnh tính dẫn dắt và tính lan tỏa của vốn đầu tư công đối với nền kinh tế, bản thân đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%”, ông Lâm chỉ rõ.

Vì vậy, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sẽ góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng và kéo dài. Theo đó, để đạt tỷ lệ giải ngân năm 2021 trên 95% theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công với nhiều biện pháp mạnh.

Trong đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Cần thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Thủ tướng cũng yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công.

Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng của 34 bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục diễn ra tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được giao từ đầu năm để cương quyết điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ theo quy định tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ.