12:03 17/08/2021

Gỡ điểm nghẽn “muôn thuở” trong đầu tư công

Anh Nhi

Tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư được xem là một giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn “muôn thuở” làm chậm tiến độ đầu tư công...

Dự án thi công xây dựng cầu Rào (TP.Hải Phòng).
Dự án thi công xây dựng cầu Rào (TP.Hải Phòng).

Một thực tế tồn tại hiện nay là nhiều dự án, công trình tuy mang tiếng là trọng điểm nhưng tiến độ triển khai khá chậm chạp, thậm chí kéo dài nhiều năm.

60% DỰ ÁN "LỤT" TIẾN ĐỘ DO... GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Chia sẻ với VnEconomy, Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phía Bắc cho biết, hơn 2 năm qua, chỉ 1 trong tổng số 4 dự án trúng thầu của doanh nghiệp là được giải phóng mặt bằng tương đối gọn để triển khai các bước tiếp theo; 3 dự án còn lại gần như “dậm chân tại chỗ” vì tỷ lệ giải phóng mặt bằng chỉ vài chục phần trăm không đáng kể.

“Vì thế, chậm tiến độ và xin kéo dài thực hiện dự án luôn là “điệp khúc” được doanh nghiệp lặp đi lặp lại trong các báo cáo tiến độ gửi Ban quản lý và Tư vấn giám sát dự án đầu tư”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Cũng liên quan tới chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, mới đây, chính quyền TP.Hải Phòng cũng phải vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào – dự án tuyến giao thông trọng điểm của Hải Phòng nối đường Phạm Văn Đồng với đường Lạch Tray hướng về cầu Hoàng Văn Thụ sang huyện Thủy Nguyên.

Tính tới thời điểm hiện tại, dự án cầu Rào đã hoàn thành 18/28 trụ mố, đang thi công 9 trụ và 1 trụ chưa thi công do chưa có mặt bằng cầu nhánh xuống bên phải khu vực góc đường Cát Bi.

“Mặc dù nhà thầu đang tích cực triển khai các mũi thi công trong giai đoạn diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và biến động lớn về giá vật liệu xây dựng song nguy cơ chậm tiến độ “về đích” trước Tết năm 2022 là rất lớn nếu mặt bằng chưa thể được bàn giao trong tháng 8/2021”, đại diện Liên danh nhà thầu Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào cho biết.

Theo tính toán, tổng diện tích đất liên quan tới xây dựng cầu Rào là hơn 20,7 ha, liên quan tới 12 tổ chức và 381 hộ dân, trong đó có 232 hộ bị ảnh hưởng và 149 hộ tái định cư thuộc địa bàn 4 quận của Tp.Hải Phòng. Xác định đây là dự án trọng điểm nên ngay từ khi triển khai, công tác giải phóng mặt bằng đã được thành phố chú trọng và bàn giao một phần cho nhà thầu để thực hiện các mũi thi công. Tuy vậy, những vướng mắc về giá đất đền bù vẫn cản trở tiến độ về đích của dự án.

Thậm chí, ngay tại “đại dự án” Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, mặc dù các cơ quan chức năng vẫn tích cực triển khai các công việc, nhưng tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang có dấu hiệu chậm lại, nhất là khi những hồ sơ còn lại thuộc nhóm phức tạp, khó giải quyết. Điều này gây lo ngại tới tiến độ chung của dự án trọng điểm quốc gia.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Trong đó, có 1.074 dự án (chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ) gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng.

7 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, địa phương tiếp tục chậm. Ngoài các nguyên nhân cộng hưởng như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và giá cả vật liệu xây dựng, thì giải phóng mặt bằng vẫn được nêu ra là một trong những nguyên nhân cản trở nhiều nhất tới tiến độ thực hiện. Điều này không những làm đội chi phí thi công của nhà thầu, chậm tiến độ giải ngân vốn vay ODA… mà còn làm mất cơ hội tạo ra những động lực phát triển cần thiết cho nền kinh tế.

CẦN GIẢI PHÁP PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không làm ảnh hưởng tiến độ chung của cả dự án, mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư đã được thành lập. Việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng được xem như một giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn "muôn thuở" làm chậm tiến độ đầu tư công.

Hiện nay, Luật Đầu tư công có cho phép tách phần chuẩn bị đầu tư, tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, nhưng mới chỉ tách ở các dự án nhóm A mà chưa áp dụng với các dự án nhóm B, C. Điều này đang khiến quy trình giải ngân vốn đầu tư công bị vướng bởi thực tế giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.

“Việc tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án. Đây là một giải pháp quan trọng để khắc phục sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ.

Hơn nữa, theo ông Hoàng Văn Cường, việc này cần giao cho địa phương để tăng trách nhiệm, không còn tình trạng đùn đẩy giữa việc chậm giải ngân do tiến hành đầu tư hay do giải phóng mặt bằng… Tuy vậy, cần có cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương khó khăn, nguồn thu thấp, không cân đối được nguồn vốn.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng cần được chú trọng tháo gỡ tận gốc vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định tất cả các dự án phải thu hồi đất đều do cơ quan nhà nước ra quyết định thu hồi, quyết định phương án bồi thường tái định cư và đứng ra thu hồi, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo một cơ chế thống nhất.

Đồng thời, quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cần bảo đảm công khai, minh bạch, tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường. Giá đền bù cần sát với giá thị trường, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi, đi kèm có phương án bảo đảm sinh kế lâu dài cho người có đất bị thu hồi...

 

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tổ phó gồm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Các thành viên gồm Thứ trưởng nhiều bộ; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố.

Tổ công tác sẽ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các căn cứ, luận cứ, làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động chính sách; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư…