Mất 32 tỷ USD và nợ chồng chất, tỷ phú từng giàu nhất châu Á đang cố vực dậy công ty
Ông Vương Kiện Lâm - người từng giàu nhất châu Á - đã có những năm tháng bận rộn mở rộng tập đoàn Dalian Wanda Group
Ông Vương Kiện Lâm - người từng giàu nhất châu Á - đã có những năm tháng bận rộn mở rộng tập đoàn Dalian Wanda Group thông qua việc mua lại những tài sản "khủng" ở nước ngoài bằng nguồn vốn rẻ.
Giờ đây, vị doanh nhân 66 tuổi này thậm chí còn không có tên trong top 30 người giàu nhất Trung Quốc, theo hãng tin Bloomberg. Trong vòng chưa đầy 6 năm, ông Vương đã mất khoảng 32 tỷ USD tài sản, nhiều hơn bất kỳ vị tỷ phú nào khác trong cùng khoảng thời gian. Hiện nay, ông Vương đang tìm cách giảm khối nợ của Wanda từ mức 362 tỷ Nhân dân tệ (56 tỷ USD) để vực dậy "đế chế" bất động sản-giải trí của ông. Tuy nhiên, ông đối mặt với sự hoài nghi lớn từ các nhà đầu tư trái phiếu.
Đầu tháng này, một số trái phiếu USD của Wanda bị bán tháo trong xu hướng bán tháo chung trên thị trường trái phiếu châu Á. Nhà đầu tư xả mạnh trái phiếu Wanda vì lo ngại những trái phiếu này sẽ không được thanh toán đúng hạn, vì gần đây có nhiều lo ngại về việc ông Wang liệu có thể chèo lái tập đoàn khỏi những rủi ro nợ nần đang bủa vây - tương tự vấn đề của những doanh nghiệp Trung Quốc lớn khác như HNA Group, China Evergrande Group, hay Anbang Group.
"Khả năng thanh khoản của tập đoàn là mối quan tâm chính đối với các nhà đầu tư", nhà phân tích Dan Wang thuộc Bloomberg Intelligence phát biểu.
CỐ GẮNG BÁN BỚT TÀI SẢN
Từng mua lại đội bóng Tây Ban Nha Atletico Madrid và có tham vọng cạnh tranh với hãng truyền thông-giải trí Mỹ Walt Disney, ông Wang đang cố gắng bán bớt một số tài sản đã tậu trong "cơn say" mua sắm ở nước ngoài trước đây. Tuần trước, Wanda nhượng lại quyền kiểm soát công ty quản lý chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới AMC Entertainment Holdings, hiện chỉ còn nắm cổ phần chưa đầy 10% tại công ty này.
Nỗ lực bán bớt tài sản của Wanda diễn ra sau khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết tăng trưởng tín dụng cách đây mấy năm. Dù vậy, khối nợ của tập đoàn này ở thời điểm tháng 6/2020 tăng lên mức cao nhất kể từ 2017. Đại dịch Covid-19 khiến tình hình càng thêm khó khăn, bởi Wanda nắm nhiều rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, công viên chủ đề, khách sạn và các sự kiện thể thao.
Khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục nhờ kiểm soát được đại dịch, việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim và trung tâm thương mại giúp ông Wang có thời gian để củng cố sức mạnh cho Wanda. Ông tiếp tục thúc đẩy chiến lược mà ông đã theo đuổi mấy năm nay - mô hình "ít tài sản" - để giảm nợ.
Theo mô hình này, Wanda sẽ chi tiêu ít đi bằng cách cắt giảm việc mua đất. Dalian Wanda Commercial Management Group - công ty con của Wanda và là một trong nhưng công ty vận hành trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng một nửa doanh thu của tập đoàn - sẽ dừng mua đất từ năm nay và thay vào đó cấp phép thương hiệu cho đối tác.
"Wanda không có một lựa chọn thực sự nào khác ngoài chiến lược ‘ít tài sản’ mà họ mới đưa ra", Giám đốc đầu tư Brock Silvers thuộc Kaiyuan Capital nhận định. "Khối nợ của Wanda là không bề vững".
Đại dịch Covid-19 đã để lại ảnh hưởng nặng nề đối với Wanda, thể hiện qua kết quả kinh doanh của các công ty con.
Công ty sản xuất phim và vận hành rạp chiếu phim Wanda Film Holding cho biết có thể lỗ ròng kỷ lục 1 tỷ USD trong năm ngoái. Dù cổ phiếu được nhà đầu tư trên diễn đàn Reddit gom mua mạnh gần đây, AMC Entertainment đã nhiều lần cảnh báo rằng công ty đang bên bờ vực vỡ nợ. AMC cũng báo khoản lỗ cả năm tồi tệ nhất trong lịch sử do doanh thu sụt 77%.
Wanda Commercial Management cho biết doanh thu và lợi nhuận giảm gần 50% trong 9 tháng đầu năm 2020. Cổ phiếu lưu ký trên thị trường chứng khoán Mỹ của Wanda Sports Group đã bị hủy niêm yết vào tháng 1 năm nay sau khi mất hơn 2/3 giá trị kể từ khi bắt đầu giao dịch vào tháng 7/2019.
NỖI HOÀI NGHI CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Ngay cả khi các mảng kinh doanh của Wanda vượt qua được cuộc khủng hoảng Covid, không gì có thể đảm bảo chắc chắn là các nhà đầu tư sẽ mở hầu bao với tập đoàn, sau những diễn biến đáng lo ngại về nợ nần tại các công ty Trung Quốc nặng nợ khác như HNA, Evergrande, hay Suning Appliance Group.
Trong một văn bản hồi tháng 9, Wanda nói với các nha đầu tư rằng mức nợ của công ty có thể "ảnh hưởng bất lợi" đến một số mảng kinh doanh. Ngoài ra, Wanda cũng phải đối mặt với sự thắt chặt các quy định về vay vốn ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản, vì Chính phủ Trung Quốc muốn giảm bớt rủi ro tài chính.
Wanda và các công ty con đã huy động được khoảng 48,2 tỷ Nhân dân tệ từ phát hành trái phiếu trong và ngoài nước trong năm ngoái, con số lớn nhất kể từ năm 2016. Một phần của số vốn này được sử dụng để trả nợ, vì Wanda có tới 32 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu nội địa đáo hạn trong năm 2021.
Hiện tại, cả ba tổ chức định hạng tín nhiệm lớn gồm Fitch Ratings, S&P Global Ratings và Moody’s Investors Service đều đang đánh giá nợ của Wanda Commercial Management ở mức không khuyế nghị đầu tư.
Ở thời hoàng kim, ông Vương thường bay khắp thế giới trên chiếc máy bay phản lực tư nhân Gulfstream G550 và sẵn sàng trả mức giá cao nhất để thâu tóm những tài sản như dinh thự ở Beverly Hills, xưởng phim Legendary Entertainment ở Hollywood, hay cao ốc One Nine Elms ở London - một trong những tòa chung cư cao nhất ở châu Âu.
"Vận đỏ" của ông Vương đảo chiều khi Bắc Kinh bắt đầu siết kiểm soát hoạt động mua lại ở nước ngoài của doanh nghiệp trong nước, ngăn dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Khối tài sản của ông đã giảm còn khoảng 14 tỷ USD từ đỉnh cao 46 tỷ USD vào năm 2015 - thời điểm ông là người giàu nhất châu Á, theo xếp hạng Bloomberg Billionaires Idex.
Theo bà Chloe He, Giám đốc phụ trách định hạng tín nhiệm doanh nghiệp thuộc Fitch, chiến lược "ít tài sản"có thể giúp tạo ra nguồn thu nhập bền vững từ cho thuê mặt bằng tại Wanda Commercial Management - "con bò sữa" chủ đạo của Wanda. Bà He cũng cho rằng chiến lược này sẽ giúp ngăn Wanda khỏi đầu tư cơ bản quá nhiều và vay nợ quá nhiều.
"Cách làm như vậy sẽ rất hữu ích để giúp họ giảm nợ trong tương lai, miễn sao họ không đầu tư vào những thứ khác nữa", bà He nói.