Mặt bằng giá mới sẽ hình thành cuối quý hai?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát vẫn là thách thức lớn nhất của năm 2011
Tỷ giá và lạm phát - hai vấn đề thời sự đang “nóng hổi” - đã trở thành tâm điểm tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Với mục đích chính là chuẩn bị báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp Quốc hội thứ chín (sẽ diễn ra vào tháng 3 tới), bên cạnh “chủ nhà”, cuộc họp còn có sự góp mặt của nhiều vị khách mời đến từ các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội.
Một trong những nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp là tái cấu trúc nền kinh tế bằng những bước đi cụ thể ngay từ năm nay và những năm tiếp theo.
Trong báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã dừng lại để phân tích thêm về lý do lạm phát vượt xa mọi dự báo, lên đến 11,75% trong năm qua. Đồng thời, ông nhấn mạnh giải pháp kiềm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng của Chính phủ trong thời gian tới.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Trần Du Lịch, cho rằng có một điều “không thể chối cãi” là trong những năm qua hầu hết các đồng tiền đều lên giá trong khi VND tiếp tục mất giá. Mà nguyên nhân không phải do chính sách tiền tệ mà do thực lực nền kinh tế yếu kém, do tổng hợp của nhiều yếu tố.
Đề cập tình hình năm 2011, ông Lịch khẳng định “điều chỉnh tỷ giá 9,3% cuối tuần qua là biện pháp đúng đắn nhất và dũng cảm nhất trong những năm vừa rồi”.
Theo phân tích của ông Lịch, thực chất đây chỉ là việc làm hợp thức hóa cái đang có thôi. Vì, theo ông, thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp đã và đang mua được ngoại tệ theo tỷ giá chính thức?
Việc cần làm, theo ông Lịch, cơ quan tham mưu cho Chính phủ phải tính toán trước khả năng hình thành một mặt bằng giá mới vào cuối quý hai năm 2011. Kèm theo chính sách tiền tệ và tài khóa để thị trường tin rằng giá trị VND ổn định ở mặt bằng mới. Khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mấy phần trăm không còn quan trọng bằng niềm tin lạm phát đã được kiểm soát.
“Đề nghị Chính phủ khẩn trương tính toán cả lượng cung tiền và vấn đề bội chi, để làm sao khi hình thành mặt bằng giá mới vào quý hai thì các chính sách đó không làm tăng tổng cầu của nền kinh tế nữa, và giữ mặt bằng tương đối ổn định từ quý 3 về sau”, ông Lịch phát biểu.
Đồng tình với nhiều phân tích của TS Trần Du Lịch, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cuối quý 2/2011 tất yếu sẽ có sự hình thành mặt bằng giá mới, cho dù có được chấp nhận hay không.
Nhiều ý kiến khác cũng quan ngại với nhận định lạm phát đang là thách thức lớn nhất của nền kinh tế trong năm nay.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung đề nghị báo cáo thẩm tra của Ủy ban phải đánh giá rõ vấn đề này. Bởi lạm phát liên tục cao đã “phá hoại nền kinh tế và tài sản của dân”.
“Những người không có bổng lộc đang nín thở, vì GDP tăng được 7% nhưng lạm phát gần 12%, thì đời sống lấy đâu mà tăng được”, ông Dung nói.
Và ông Dung bộc bạch thêm “nếu ngoài lương, chúng tôi không có vài đồng từ đi họp này khác thì không thể sống ở Hà Nội này được”.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn, năm 2011 thách thức tỷ giá và lạm phát là lớn nhất. Quan điểm chung là phải giảm tổng cầu, ông Ngoạn phát biểu.
Một số vấn đề liên quan đến tỷ giá và lãi suất cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu chia sẻ. Theo Thống đốc, để giữ giá VND thì phải làm từ gốc, tức là phải tái cơ cấu, đổi mới mô hình kinh tế, chứ không thể chỉ bàn mãi phần "ngọn" được.
Ông Giàu cũng kiến nghị Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu kinh tế để giải quyết tận gốc những yếu kém của nền kinh tế.
Theo Thống đốc, cần bàn về phương án giảm tổng cầu một cách rõ ràng vì phải giảm tổng cầu mới thành công trong chống lạm phát, như đã thấy rõ trong bài học chống lạm phát năm 2008. Nhưng cần tính toán cụ thể là cắt giảm bao nhiêu tiền và cắt ở đâu, công trình nào thì mới có thể giảm được.
Nhấn mạnh CPI vượt xa mọi dự báo là một diễn biến không tích cực từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010 đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn lại quan điểm chung của nhiều ý kiến là phải kiên quyết thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu, có giải pháp đồng bộ trong điều hành lãi suất, tỷ giá...
Điều hành chính sách tiền tệ cũng nên rút kinh nghiệm năm 2010, phải “bảo thủ” hơn nữa, Chủ nhiệm Hiền nhấn mạnh.
Với mục đích chính là chuẩn bị báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp Quốc hội thứ chín (sẽ diễn ra vào tháng 3 tới), bên cạnh “chủ nhà”, cuộc họp còn có sự góp mặt của nhiều vị khách mời đến từ các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội.
Một trong những nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp là tái cấu trúc nền kinh tế bằng những bước đi cụ thể ngay từ năm nay và những năm tiếp theo.
Trong báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã dừng lại để phân tích thêm về lý do lạm phát vượt xa mọi dự báo, lên đến 11,75% trong năm qua. Đồng thời, ông nhấn mạnh giải pháp kiềm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng của Chính phủ trong thời gian tới.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Trần Du Lịch, cho rằng có một điều “không thể chối cãi” là trong những năm qua hầu hết các đồng tiền đều lên giá trong khi VND tiếp tục mất giá. Mà nguyên nhân không phải do chính sách tiền tệ mà do thực lực nền kinh tế yếu kém, do tổng hợp của nhiều yếu tố.
Đề cập tình hình năm 2011, ông Lịch khẳng định “điều chỉnh tỷ giá 9,3% cuối tuần qua là biện pháp đúng đắn nhất và dũng cảm nhất trong những năm vừa rồi”.
Theo phân tích của ông Lịch, thực chất đây chỉ là việc làm hợp thức hóa cái đang có thôi. Vì, theo ông, thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp đã và đang mua được ngoại tệ theo tỷ giá chính thức?
Việc cần làm, theo ông Lịch, cơ quan tham mưu cho Chính phủ phải tính toán trước khả năng hình thành một mặt bằng giá mới vào cuối quý hai năm 2011. Kèm theo chính sách tiền tệ và tài khóa để thị trường tin rằng giá trị VND ổn định ở mặt bằng mới. Khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mấy phần trăm không còn quan trọng bằng niềm tin lạm phát đã được kiểm soát.
“Đề nghị Chính phủ khẩn trương tính toán cả lượng cung tiền và vấn đề bội chi, để làm sao khi hình thành mặt bằng giá mới vào quý hai thì các chính sách đó không làm tăng tổng cầu của nền kinh tế nữa, và giữ mặt bằng tương đối ổn định từ quý 3 về sau”, ông Lịch phát biểu.
Đồng tình với nhiều phân tích của TS Trần Du Lịch, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cuối quý 2/2011 tất yếu sẽ có sự hình thành mặt bằng giá mới, cho dù có được chấp nhận hay không.
Nhiều ý kiến khác cũng quan ngại với nhận định lạm phát đang là thách thức lớn nhất của nền kinh tế trong năm nay.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung đề nghị báo cáo thẩm tra của Ủy ban phải đánh giá rõ vấn đề này. Bởi lạm phát liên tục cao đã “phá hoại nền kinh tế và tài sản của dân”.
“Những người không có bổng lộc đang nín thở, vì GDP tăng được 7% nhưng lạm phát gần 12%, thì đời sống lấy đâu mà tăng được”, ông Dung nói.
Và ông Dung bộc bạch thêm “nếu ngoài lương, chúng tôi không có vài đồng từ đi họp này khác thì không thể sống ở Hà Nội này được”.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn, năm 2011 thách thức tỷ giá và lạm phát là lớn nhất. Quan điểm chung là phải giảm tổng cầu, ông Ngoạn phát biểu.
Một số vấn đề liên quan đến tỷ giá và lãi suất cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu chia sẻ. Theo Thống đốc, để giữ giá VND thì phải làm từ gốc, tức là phải tái cơ cấu, đổi mới mô hình kinh tế, chứ không thể chỉ bàn mãi phần "ngọn" được.
Ông Giàu cũng kiến nghị Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu kinh tế để giải quyết tận gốc những yếu kém của nền kinh tế.
Theo Thống đốc, cần bàn về phương án giảm tổng cầu một cách rõ ràng vì phải giảm tổng cầu mới thành công trong chống lạm phát, như đã thấy rõ trong bài học chống lạm phát năm 2008. Nhưng cần tính toán cụ thể là cắt giảm bao nhiêu tiền và cắt ở đâu, công trình nào thì mới có thể giảm được.
Nhấn mạnh CPI vượt xa mọi dự báo là một diễn biến không tích cực từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010 đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn lại quan điểm chung của nhiều ý kiến là phải kiên quyết thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu, có giải pháp đồng bộ trong điều hành lãi suất, tỷ giá...
Điều hành chính sách tiền tệ cũng nên rút kinh nghiệm năm 2010, phải “bảo thủ” hơn nữa, Chủ nhiệm Hiền nhấn mạnh.