Mặt bằng lãi suất ra sao khi giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn?
Việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ góp phần làm tăng lãi suất huy động trên thực tế
Lộ trình đưa tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30% từ tháng 7/2021 (phương án 1) hoặc tháng 7/2022 (phương án 2) là một trong những nội dung được quan tâm tại dự thảo thông tư thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Cụ thể, đối với phương án 1, từ ngày thông tư có hiệu lực đến 30/6/2020, áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn là 40%; từ 01/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35%; và từ 01/7/2021 trở đi tỷ lệ áp dụng là 30%.
Phương án 2, từ ngày thông tư có hiệu lực đến 30/6/2020, áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn là 40%; từ 01/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 37%; từ 01/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ áp dụng là 34%; và từ 01/7/2022 trở đi, tỷ lệ áp dụng là 30%.
Hiện tại tỷ lệ này được quy định ở mức tối đa là 40% từ 1/1/2019, giảm từ mức 45% năm 2018. Để đảm bảo tỷ lệ này giảm về mức 30%, các ngân hàng sẽ phải tiến hành tăng nguồn vốn ngắn hạn cũng như nguồn vốn trung dài hạn, đồng thời giảm tổng dư nợ trung dài hạn.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong hai phương án được đưa ra, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương án hài hòa hơn. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cân nhắc áp dụng phương án 2 nhằm tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại có thời gian thích nghi với những thay đổi của quy định mới, giảm áp lực đẩy mạnh huy động vốn trong hệ thống qua đó đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao.
Từ cuối năm 2018, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất để đáp ứng nhu cầu tăng nguồn vốn trung dài hạn trước quy định mới dự kiến áp dụng vào năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn.
Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đẩy mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng lên mức cao hơn so với cùng kỳ 2018, với mức cao nhất lên đến 8,6%/năm. Mặt bằng lãi suất tăng trung bình 0,53% ở các ngân hàng khảo sát so với cùng kỳ 2018.
Các ngân hàng cũng liên tục tăng vốn điều lệ, với tốc độ tăng trưởng 12,47%, tương đương với xấp xỉ 72 nghìn tỷ đồng, đạt 576.338 tỷ đồng trong năm 2018. Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn điều lệ thêm 65.260 tỷ đồng, chiếm 91% mức tăng của toàn hệ thống, tăng 24,42% so với cùng kỳ, đạt 267.234 tỷ đồng.
Xét trên bình diện toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trung bình của toàn hệ thống ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 30-32%. Với mức cho phép hiện tại là 40% đến tháng 6/2020 và lộ trình giảm xuống 30% đến giữa năm 2021, nhìn chung áp lực lên toàn bộ hệ thống không quá lớn và hoàn toàn có khả năng đáp ứng quy định mới.
Tuy nhiên, áp lực huy động vốn sẽ tăng lên tại các ngân hàng thương mại cụ thể có tỷ lệ tín dụng dài hạn cao. Các ngân hàng này sẽ phải tăng lãi suất huy động và qua đó kéo mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên.
Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo số liệu tháng 1/2019 của Ngân hàng Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lần lượt ở mức 31,56% và 32,94%. Các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn và cơ cấu sử dụng nguồn vốn để đảm bảo thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn chiếm trung bình 52,7% tổng dư nợ, do đó cũng không phải quá áp lực trên bình diện toàn hệ thống. Tuy nhiên, đối với một số ngân hàng có tỷ lệ này cao ở mức quanh 80%, nhiều khả năng sẽ phải chủ động cơ cấu lại các khoản vay của mình để đảm bảo yêu cầu của thông tư.
Với những yếu tố này, MBS nhận định việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ góp phần làm tăng lãi suất huy động trên thực tế. Tuy nhiên, không thể kết luận mặt bằng lãi suất tăng hoàn toàn là do nguyên nhân này khi áp lực lạm phát năm 2019 cũng cao hơn so với 2018. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất có tăng song không quá đáng lo ngại.