Mắt xích quan trọng khiến phân bón giả hoành hành
Hiến kế dẹp nạn phân bón giả đang hoành hành trên thị trường, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh việc “siết” các đại lý. Bởi đây là mắt xích dễ thao túng hàng giả, hàng kém chất lượng nhất hiện nay...
Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề “Phân bón giả, tác hại thật” do VnEconomy tổ chức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định hệ thống đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp trên khắp cả nước chính là “cửa thông hành” để phân bón giả tràn lan trên thị trường.
Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết NPK là loại phân bón bị làm giả phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
“Đây là loại phân bón đáp ứng được nhu cầu cơ bản của hầu hết các loại cây trồng hiện nay. Vì vậy nhu cầu phân bón NPK rất lớn. Các đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón giả không thể bỏ qua mảng kinh doanh siêu lợi nhuận này. NPK là phân bón ba màu. Trong đó, có màu đỏ, nhiều cơ sở sản xuất phân bón giả lợi dụng đặc điểm nhận biết này, nghiền bột gạch non rồi dùng công nghệ cuốc xẻng, máy trộn, làm giả bao bì của các thương hiệu lớn để cho ra thị trường NPK giả”, ông Ngọc phân tích.
Qua quá trình thực địa, ông Ngọc nhận thấy nông dân hiện nay cũng hiểu rất đơn giản. Do tập quán sản xuất nên bà con chỉ chọn mua NPK có 3 màu, nếu không có đủ màu thì không tin. Trong khi bây giờ nhiều nhà máy công nghệ cao sử dụng công nghệ hóa lỏng thì yếu tố ba màu không còn rõ nữa.
Chính vì vậy, từ phía các doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính cũng cần phải tăng cường thông tin, truyền thông để tạo cơ chế bảo vệ sản phẩm của mình. Theo ông Ngọc, NPK chính là sản phẩm lõi trong sản xuất nông nghiệp.
Lợi nhuận do sản xuất kinh doanh phân bón giả đem lại quá cao, quá hấp dẫn nên kiểu gì các đối tượng cũng không từ bỏ.
Hiện nay, có tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, chỉ truy quét các cơ sở sản xuất phân bón giả là chưa đủ. Để những hàng hoá kém chất lượng này đến được tay bà con nông dân thì các đại lý là một mắt xích rất quan trọng. Họ biết rõ có các loại phân bón làm giả, làm nhái kém chất lượng nhưng vì lợi nhuận cao nên vẫn sẵn sàng tiếp tay.
Ông Nguyễn Trí Ngọc cũng kiến nghị phải có chế tài thật mạnh, tính răn đe cao hơn nữa với hành động tiếp tay của các đại lý.
Việc thanh, kiểm tra càng phải chú trọng khi giá phân bón trên thế giới đang neo ở mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây và Việt Nam thì vẫn phải nhập một số loại phân bón như BAP, sufat, đạm. Các đối tượng xấu rất dễ lợi dụng bối cảnh này để tuồn ra hàng giả nhằm trục lợi.
Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao.
Đặc biệt, giá phân bón bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Nga đã dừng hẳn việc xuất khẩu phân bón ra thế giới từ 10/3/2022. Điều này dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu mất cân đối.