17:22 31/10/2011

MBB giá nào?

Khánh Hà

Chào sàn ngày 1/11, mức giá 13.800 đồng của MBB được cho là khá hấp dẫn. Thị trường sẽ định giá MBB dưới góc độ đầu cơ, hay cơ bản?

Yếu tố thanh khoản và tính đầu cơ sẽ là điểm cộng thêm đáng kể cho MBB sau khi niêm yết.
Yếu tố thanh khoản và tính đầu cơ sẽ là điểm cộng thêm đáng kể cho MBB sau khi niêm yết.
Chào sàn ngày 1/11, mức giá 13.800 đồng của MBB được cho là khá hấp dẫn. Tuy nhiên thị trường sẽ định giá cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MB) dưới góc độ đầu cơ, hay cơ bản?

Tại cuộc hội thảo giới thiệu việc chính thức niêm yết MBB hôm 27/10, một số thông tin mới được tiết lộ có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của cổ phiếu này khi lên sàn.

Thứ nhất là việc điều chỉnh tỉ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài khi MBB lên sàn. Theo đó, có tới 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MBB đế bán cho đối tác chiến lược nước ngoài. Tỉ lệ room 20% này sẽ được Trung tâm Lưu ký chứng khoán khóa lại và sẽ được mở giao dịch khi MB công bố đối tác chiến lược nước ngoài.

Như vậy nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ được mua bán tự do trong hạn mức 10% còn lại khi MBB bắt đầu chính thức giao dịch trên HSX.

Ông Lê Văn Bé, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị MB, cho biết hiện ngân hàng vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp và mới chỉ chắc chắn việc tăng tỉ lệ sở hữu của đối tác chiến lược trong nước là Viettel.

“MB sẽ phát hành 1.000 tỷ đồng cổ phần cho đối tác chiến lược trong nước. Tới thời điểm này, ngân hàng đã thương thảo xong với đối tác chiến lược trong đợt phát hành là Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Sau lần tăng vốn này của MB, tỷ lệ sở hữu của Viettel sẽ tăng lên mức 18,5%”, ông Bé cho biết.

Việc MB chưa có kế hoạch cụ thể về đối tác chiến lược nước ngoài thực ra đã có thể lường trước. Thông tin này cũng không ảnh hưởng nhiều đến MB vì các mã cổ phiếu ngân hàng khác như CTG hay VCB đều cho thấy thị trường không đánh giá tích cực lắm với sự kiện tương tự.

Bất ngờ trong sự kiện này là ở chỗ room tự do cho nhà đầu tư nước ngoài được giảm đi đáng kể. Khả năng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu ngân hàng niêm yết khác vẫn còn, nhưng MBB là ngân hàng lớn có mức độ đại chúng cao, đặc biệt là tỉ lệ sở hữu của tổ chức có yếu tố nhà nước thấp. Nếu thanh khoản MBB đủ lớn, gần như cổ phiếu này phải nằm trong danh mục của các quỹ nước ngoài lẫn trong nước, chưa kể yếu tố trọng số với VN-Index.

Thứ hai là thông tin về khoản nợ xấu liên quan đến Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) được sáng tỏ. Trước thời điểm niêm yết, thị trường chỉ cập nhật được thông tin nói trên qua báo cáo tài chính đến 31/12/2010. Theo đó MB có khoản phải thu với TLS là gần 3.515 tỷ đồng. Đây là khoản phát sinh từ các hợp đồng repo, hỗ trợ tài chính và ứng trước cho khách hàng của TLS.

Theo thông tin chính thức và mới nhất từ MB, tính đến nay TLS có số dư nợ cho vay là 1.430 tỷ đồng, dự kiến đến hết tháng 12/2011 sẽ xuống dưới 1.000 tỷ đồng. Trong số này, đến 30/9/2011 có 289 tỷ đồng nợ xấu, và đến ngày 27/10/2011 còn 253 tỷ đồng.

Đại diện MB cho biết TLS sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, nếu tính hợp nhất thì khoản vay của TLS thì chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng dư nợ hơn 55.000 tỷ đồng của MB. Đại diện này cho biết do phải trích lập dự phòng nợ xấu của TLS nên lợi nhuận hợp nhất của MB mới bị giảm xuống so với lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ.

Ông Lê Văn Bé cho biết, MB đã nhiều lần họp riêng với TLS cảnh báo công ty này và yêu cầu TLS phải có khảo sát đánh giá lại để có một đánh giá chung, từ đó MB sẽ đưa ra một “gói vay cứu trợ” giúp TLS hoạt động ổn định.

Thứ ba là rủi ro pha loãng của cổ phiếu MBB. Theo kế hoạch, MB sẽ tăng vốn từ 7.300 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2011. Quá trình này sẽ chia làm hai đợt. Đầu tiên MB sẽ bán 170 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá và đợt hai, bán riêng lẻ cho Viettel 100 triệu cổ phiếu.

Việc tăng vốn này là khá lớn và chính TLS - đơn vị tư vấn cho MBB - cũng nhận xét điều này đã làm nhiều cổ đông băn khoăn do có thể gặp phải rủi ro pha loãng, dẫn đến EPS sụt giảm. Tuy nhiên, điều được chờ đợi ở đợt tăng vốn này lại là Viettel sẽ trả giá bao nhiêu cho MBB. Chắc chắn việc bán “ưu đãi” cho Viettel sẽ khó lặp lại vì việc chào bán sẽ được tiến hành sau khi niêm yết. Cổ đông sẽ lấy thị giá hiện tại của MBB để so sánh. Gần như chắc chắn MBB sẽ thu được thặng dư từ đợt phát hành này.

Theo TLS, căn cứ vào quy mô tài sản và hiệu quả hoạt động, có thể so sánh MBB với hai cổ phiếu ngân hàng niêm yết là EIB và STB. Mức EPS năm 2011 được ước tính là 2.660 đồng/cổ phiếu và căn cứ vào PE trung bình ngành, giá MBB hợp lý vào khoảng 17.800 đồng/cổ phiếu, tức là cao hơn gần 29% so với giá tham chiếu chào sàn. Căn cứ vào P/B, TLS ước tính giá hợp lý của MBB là 15.800 đồng/cổ phiếu và giá bình quân cả hai phương pháp khoảng 16.800 đồng/cổ phiếu. Giá MBB sau khi phát hành cho cổ đông hiện hữu được ước tính là 15.500 đồng/cổ phiếu.

Một ước tính khác tốt hơn cho MBB là của Công ty Chứng khoán Maritime Bank, dự tính EPS của MBB năm 2011 là 2.804 đồng/cổ phiếu (cao hơn ước tính TLS) và cũng trên cơ sở P/E bình quân ngành, giá hợp lý của MBB theo cách này là 20.245 đồng/cổ phiếu. Cách tính theo P/B lại thấp hơn một chút, khoảng 14.627 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra tổ chức này còn tính theo phương pháp chiết khấu luồng cổ tức và thu nhập còn lại thì giá MBB khoảng từ 18.114 đồng - 18.671 đồng/cổ phiếu. Giá hợp lý bình quân các phương pháp khoảng 17.914 đồng/cổ phiếu.

Thực ra các phương pháp tính nói trên mới phù hợp theo góc độ phân tích cơ bản. Một trong những đặc điểm của MBB là tính thanh khoản cao, đi kèm với đó là tính đầu cơ. Yếu tố thị trường có thể cộng thêm cũng như giảm đi một phần không nhỏ trong thị giá của MBB. Rất nhiều trường hợp cổ phiếu ngân hàng niêm yết có quy mô nhỏ hơn MBB nhưng vẫn có các đợt biến động mạnh. Do đó giá MBB hậu niêm yết cần một thời gian dài mới có thể xác định mức độ hợp lý.