22:10 29/04/2021

Mô hình bán lẻ “offline to online” trên thế giới đang dần hình thành tại Việt Nam?

Thu Hà

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia và đặt kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp bán lẻ giàu tiềm lực...

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia và đặt kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp bán lẻ giàu tiềm lực. Động thái này vừa phản ánh xu thế phát triển tất yếu của lĩnh vực tiêu dùng – bán lẻ, vừa là tín hiệu tích cực cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được “tận hưởng” nhiều giá trị và lợi ích hơn.

"NHÀ NHÀ" CÔNG BỐ ĐẶT MỤC TIÊU LỚN VÀO SÂN CHƠI ONLINE

Tại Đại hội đồng cổ đông của Masan Group diễn ra mới đây, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty The CrownX chia sẻ: “Mười năm trước, chúng tôi không biết bán hàng online là gì, nhưng đến bây giờ, chúng tôi đã phác hoạ được bức tranh bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam phải như thế nào”. Dựa trên “phác họa” đó, The CrownX kỳ vọng rất lớn vào kênh online. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% vào tổng doanh thu.

Không chỉ The CrownX, các nhà bán lẻ khác tại Việt Nam cũng công bố đầu tư mạnh cho kênh online. Ví dụ, Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu năm 2021, mảng trực tuyến sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu, tương đương 1.000 tỉ đồng. Central Retail Corporation (CRC) cũng công bố tham gia cuộc đua nâng cao tỉ lệ đóng góp đến từ kênh trực tuyến khi từ cuối năm 2020, doanh thu từ các kênh đa nền tảng của BigC, Nguyễn Kim đóng góp 5% và 8% tổng doanh thu.

Trên thế giới, tại các thị trường bán lẻ lớn như Mỹ và Trung Quốc, thương mại điện tử cũng đang trở thành xu thế dẫn dắt thị trường bán lẻ tiêu dùng. Cùng với sự bùng nổ của internet, kết nối di động và smartphone, dịch bệnh COVID-19 cũng được đánh giá là chất xúc tác làm “bùng nổ” của thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ như chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

MÔ HÌNH "OFFLINE TO ONLINE" SẼ THAY ĐỔI HỆ SINH THÁI BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM?

Dù nhiều tiềm năng nhưng kênh bán hàng trực tuyến cũng là “bài toán khó” đối với các nhà bán lẻ tại Việt Nam. Trên thực tế, nhiều “ông lớn” bán lẻ có vẻ như vẫn đang loay hoay trên cuộc chơi online. Như Lotte Việt Nam, sau khi thông báo đóng cửa trang thương mại điện tử cùng tên vào năm 2019 và chuyển về trang speedl.vn thì cho đến nay trang này vẫn không có hoạt động nào rõ rệt. Tương tự, Coop-mart sau khi đóng cửa trang thương mại điện tử cùng tên chuyển hướng về kinh doanh qua tổng đài là chính, ứng dụng trên di động vẫn gặp lỗi…

The CrownX với hệ sinh thái gồm MasanConsumerHoldings (công ty hàng tiêu dùng hàng đầu) và VinCommerce (nền tảng bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam về số lượng điểm bán) sẽ chọn hướng đi nào để đạt được mục tiêu đề ra cho kênh bán hàng trực tuyến trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt? Trả lời câu hỏi này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Masan Group, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ, thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, có tần suất mua sắm mỗi ngày của người tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống. Nền tảng này chỉ đang phục vụ cho các nhu cầu không thiết yếu, giá trị cao như mỹ phẩm, quần áo, du lịch… Thúc đẩy việc mua sắm online trở thành thói quen hằng ngày của người tiêu dùng thì trước tiên cần tập trung vào phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đây là điều Masan đang hướng đến.

Kế hoạch chuyển đổi chi tiết nhằm xây dựng mô hình kết hợp xuyên suốt tích hợp từ offline đến online của Masan bao gồm 3 mục tiêu quan trọng: xây dựng mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm đạt lợi nhuận, mở rộng quy mô mảng bán lẻ bằng việc vận hành 10.000 cửa hàng bán lẻ tự sở hữu đạt mục tiêu lợi nhuận và 20.000 cửa hàng nhượng quyền thông qua hiện đại hóa kênh thương mại truyền thống và chuyển đổi các cửa hàng bán lẻ trở thành các Point of Life bằng cách kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, giải trí số, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Ông Danny Le lấy dẫn chứng về mô hình của Walmart. Khởi đầu là một chuỗi cửa hàng bán lẻ nhu yếu phẩm có lợi nhuận, Walmart đã lấn sân sang bán lẻ nhu yếu phẩm online và đứng vị trí số 1 trong mảng kinh doanh này. Theo thống kê của Emarketer, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ online của Walmart vào năm 2020 là 65,4% cao hơn cả Amazon (39,1%). Điều này càng ấn tượng hơn nữa khi Walmart mới chỉ chiếm 5,8% thị phần bán lẻ trực tuyến tại Mỹ, thấp hơn nhiều so với 39% của Amazon. Không dừng lại ở đó, Walmart đã thực hiện bước đi tiếp theo: tích hợp các dịch vụ Fintech vào hệ thống bán lẻ của mình.

Hơn 1 năm tiếp quản VinCommerce, Masan đã tìm ra mô hình bán lẻ có lợi nhuận. Quý 4/2020, VinCommerce đã có quý đầu tiên đạt lợi nhuận 16 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu EBITDA dương trong cả năm 2021. Đồng thời, chuỗi bán lẻ này cũng sẽ được đổi tên thành WinMart (siêu thị) và WinMart+ (siêu thị mini). Trong khi đó, MasanConsumerHoldings có năm đầu tiên đạt doanh thu trên 1 tỉ USD.

Năm 2021 sẽ là năm mở đầu cho sự bứt phá của The CrownX, trong đó Masan tập trung thiết lập mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm tích hợp từ offline đến online, song song đó là cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng ứng dụng công nghệ châm hàng tự động. Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group cho biết, Masan sẽ không thực thi chiến lược này một mình mà tìm kiếm đối tác để có sức mạnh cộng hưởng, gia tăng lợi ích cho cả 2 bên và khách hàng.