11:00 05/09/2023

Mới bàn giao 6% mặt bằng, báo động tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Anh Tú

Hiện tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chậm, gây ảnh hưởng tiến độ thi công, nhất là dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ đạt khoảng 6% khối lượng...

Dự án có nguy cơ không đáp ứng tiến độ hoàn thành cơ bản cuối năm 2025, đưa vào khai thác toàn dự án từ năm 2026.
Dự án có nguy cơ không đáp ứng tiến độ hoàn thành cơ bản cuối năm 2025, đưa vào khai thác toàn dự án từ năm 2026.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6726/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

TIẾN ĐỘ BÀN GIAO MẶT BẰNG CHẬM

Văn bản nêu rõ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai một số dự án đường giao thông trọng điểm như: dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Tuy nhiên, tiến độ bàn giao mặt bằng chậm hơn so với yêu cầu, không đáp ứng được tiến độ thi công, đặc biệt là dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ đạt khoảng 6% khối lượng.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tổ chức triển khai thi công theo đúng tiến độ.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện bàn giao mặt bằng các dự án nêu trên.

NGUY CƠ HỤT TIẾN ĐỘ CAO TỐC BIÊN HOÀ - VŨNG TÀU

Liên quan đến tiến độ thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, dự án đang triển khai rất chậm. Dự án có nguy cơ không đáp ứng tiến độ hoàn thành cơ bản cuối năm 2025, đưa vào khai thác toàn dự án từ năm 2026 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Tính đến giữa tháng 8, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao khoảng 6% mặt bằng cho dự án thành phần 2. Còn dự án thành phần 1 chưa được bàn giao mặt bằng; chưa kiểm kê, khảo sát giá đất cụ thể và chưa phê duyệt phương án bồi thường.

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặt bằng đã được bàn giao đạt 78% để triển khai thi công; đã hoàn thành kiểm kê, khảo sát giá đất và phê duyệt phương án bồi thường.

Hiện còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án do việc thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai nằm trong phạm vi dự án và dự án khu tái định cư Long Đức chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ để chặt hạ cây và bàn giao mặt bằng cho dự án.

Bên cạnh đó, tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành không đảm bảo để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong năm 2023. Do đó, không thể thực hiện việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất ở trong năm 2023. 

Phương án sử dụng khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn để bố trí tái định cư cho dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Chưa thể thu hồi đất do Trường Giáo dưỡng số 4 tại Đồng Nai quản lý để thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do vướng quy hoạch điều chỉnh đất an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, kinh phí giải phóng mặt bằng tăng vượt tổng mức đầu tư và có thể phải thực hiện điều chỉnh chủ trương dự án. Tuy nhiên, các dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 chưa đủ cơ sở để xác định chính xác chi phí giải phóng mặt bằng để tính toán giá trị điều chỉnh…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ban quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai và Ban quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo chi tiết tình hình thực hiện giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân đến thời điểm hiện nay đối với các dự án thành phần.

Cùng với đó, nhận định cụ thể các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới; rà soát, đánh giá, phân tích làm rõ các yếu tố phát sinh, nhu cầu vốn tăng thêm để phục vụ công tác điều chỉnh chủ trương dự án.

Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Ban quản lý dự án 85 và đơn vị tư vấn lập dự án, tổ chức làm việc với các Ban quản lý dự án của tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan, báo cáo bộ để chỉ đạo, triển khai các bước tiếp theo.

 

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7km (tỉnh Đồng Nai khoảng hơn 34km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng hơn 19km). Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. 

Sau khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ kết nối với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.