Mới chỉ có 18% nước thải đô thị ở Việt Nam được xử lý tập trung
Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý tại các Nhà máy xử lý nước thải tập trung còn hạn chế. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, để thu gom và xử lý hết được nước thải từ các khu dân cư đô thị, ven đô, các cơ sở dịch vụ, bên cạnh giải pháp thu gom và xử lý nước thải tập trung, cần phát triển và ứng dụng cả các giải pháp thu gom, xử lý nước thải tại chỗ...

Dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đến nay ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 18% nước thải đô thị được xử lý tại các Nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Các giải pháp thu gom và xử lý nước thải tập trung, với công nghệ hiện đại, thiết bị đắt tiền, tiêu thụ nhiều điện năng, đòi hỏi chi phí đầu tư và quản lý vận hành rất lớn. Đó là chưa kể chi phí xây dựng những tuyến cống tập trung thu gom nước thải lớn rất tốn kém, khó thực hiện đấu nối, lại không tránh khỏi rò rỉ, gây ô nhiễm đất và nước ngầm.
Từ các con số thống kê của các cơ quan liên quan cho thấy số lượng nước thải sinh hoạt được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra ao, hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước là rất lớn. Những dòng sông, ao hồ, sông ngòi hằng ngày đang tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải đô thị chưa qua xử lý.
Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, để có thể thu gom và xử lý hết được nước thải từ các khu dân cư đô thị, ven đô, nông thôn, các cơ sở dịch vụ, công cộng, bên cạnh giải pháp thu gom và xử lý nước thải tập trung, cần phát triển và ứng dụng cả các giải pháp thu gom, xử lý nước thải tại chỗ.

Tại dự thảo tờ trình Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đang được lấy ý kiến, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thông tin: Phương thức quản lý nước thải phân tán đã được ghi nhận và thể hiện trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải cũng như trong Thông tư số 04/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã chính thức đưa vào các quy định liên quan đến các công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ.
Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu các chủ nguồn thải (cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân; cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề; công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác; hộ gia đình, cá nhân; tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch…) có phát sinh nước thải phải có công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp đối với công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Luật cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải tại chỗ; đồng thời xây dựng và ban hành Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc áp dụng các giải pháp xử lý nước thải tại chỗ cho phép huy động nguồn lực từ xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm đối với công trình xử lý nước thải và bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho công trình hoạt động hiệu quả, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho ngân sách Nhà nước, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm do nước thải.
Theo dự thảo thông tư, quy chuẩn quy định yêu cầu kỹ thuật, quản lý đối với các công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ có công suất thiết kế nhỏ hơn hoặc bằng 1,5m3/ngày (24 giờ); lớn hơn 1,5 m3/ngày (24 giờ) đến 5 m3/ngày (24 giờ); lớn hơn 5 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ).
Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan quản lý; tổ chức, cá nhân có phát sinh nước thải sinh hoạt với lưu lượng nhỏ hơn 20 m3/ngày (24 giờ); tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ.
Quy chuẩn cũng áp dụng đối với công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ được xây dựng, lắp đặt tại dự án mới; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà ở xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa.
Theo quy định tại dự thảo quy chuẩn, việc khảo sát, thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, đưa vào sử dụng công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ phải tuân thủ các quy định về xây dựng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.
Công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ phải có các công đoạn xử lý nước thải và công đoạn điều hòa, vùng lưu không, vùng chứa bùn cặn. Vùng lưu không có dung tích tối thiểu bằng 20% dung tích hữu dụng của công trình, thiết bị, chiều cao tối thiểu 0,2 m. Vùng chứa bùn cặn phải đủ thể tích lưu chứa bùn cặn từ 1 năm trở lên. Đồng thời, nước thải có chứa dầu, mỡ phải được tách dầu, mỡ trước khi đưa vào công đoạn điều hòa.
Nước thải sau xử lý phải đáp ứng giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm quy định của quy chuẩn này hoặc theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Cũng theo dự thảo quy chuẩn, công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ phải đảm bảo an toàn về kết cấu, có giải pháp tách rác, thông hơi, chống thấm, rò rỉ, không phát tán chất thải gây ô nhiễm môi trường, không gây tiếng ồn và độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định…
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đề ra mục tiêu, đến năm 2030, các đô thị loại II trở lên phải đạt tỷ lệ 50% nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy chuẩn; các đô thị còn lại tỷ lệ phải đạt là 20%.
Đến năm 2050, có 100% đô thị hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng; 100% nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.