11:00 22/11/2019

Mối lo nguồn nhân lực ngành logistics

DŨNG HIẾU

Các số liệu nghiên cứu đều chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng

Logistics là ngành đang phát triển rất nóng với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10% và đóng góp khoảng 5% vào GDP quốc gia. Không thể phủ nhận đây là ngành có tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên để khơi dậy tiềm năng đó thì cần phải giải tốt bài toán thiếu nguồn nhân lực của ngành.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics, hiện Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Các doanh nghiệp logistics đều có quy mô vừa và nhỏ với 89% là doanh nghiệp của Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. 

Nhân lực logistics vừa thiếu, vừa yếu

Với tốc độ phát triển nhanh và có quy mô như vậy nên hiện ngành đang thiếu khoảng  2 triệu người. Sự thiếu nguồn nhân lực càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Các số liệu nghiên cứu đều chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý cũng đang thiếu một cách trầm trọng. 

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics;  30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. 

Còn kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày;  23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước;  6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo và chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài. 

Từ trước tới nay nhân lực logistics ở Việt Nam chủ yếu được tuyển dụng  từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển. Còn nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cho các doanh nghiệp. 

Về vị trí cán bộ quản lý thường là những người đang  nắm vị trí chủ chốt dù đã được đào tạo hoặc tái đào tạo, nhưng cơ bản vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh logistics. Có thể nói phong cách lãnh đạo và quản lý của đội ngũ này đều chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành, chưa nói tới việc phải cập nhật kiến thức mới của họ.

Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động mới và các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cũng cần trên cả triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. 

Giải bài toán nhân lực logistics

Bức tranh trên cho thấy, việc giải bài toán nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành logistics đang ngày càng trở nên cấp thiết. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, "để đáp ứng nhu cầu hiện nay, việc đào tạo cần tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế loại bỏ điểm yếu của nguồn nhân lực logistics Việt Nam là tính kỷ luật và khả năng làm việc tập thể kém. Các cơ sở đào tạo bên cạnh cung cấp kiến thức, kỹ năng, cần phải quan tâm đến rèn luyện tính kỷ luật, chuyên nghiệp cho người lao động, đa dạng hóa loại hình và hình thức đào tạo".

Đồng thời các nhà hoạch định chính sách đào tạo cũng đưa ra đề nghị xây dựng một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học của Việt Nam. 

Tất nhiên, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề. Theo đó, Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. 

Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...

Đồng ý với cách tiếp cận đó, PGS.TS.Lê Quốc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng, dưới góc độ đào tạo cần kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics; thu hút các chuyên gia về logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (Tp.HCM) thì kiến nghị, để khắc phục tình trạng này, vai trò của doanh nghiệp đối với đào tạo nhân lực ngành logistics là  rất quan trọng. Một ngành đào tạo muốn thành công và phát triển cần có kết nối giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. 

Có thực hiện được như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực mới  phát triển đúng hướng, tiết kiệm thời gian, giúp học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp, được tuyển dụng có thể làm việc ngay, không phải đào tạo bổ sung.  Đào tạo nguồn nhân lực logistics như vậy thì mới tao ra nguồn nhân lực chất lượng, bền vững giúp cho ngành phát triển theo tiềm năng của mình.