12:27 18/09/2008

Morgan Stanley cũng có thể bị thâu tóm?

Kiều Oanh

Lo ngại không thể vượt qua khủng hoảng, Morgan Stanley đã tiến hành đàm phán sáp nhập với Ngân hàng Wachovia

Nếu bị Wachovia thâu tóm, Morgan Stanley sẽ là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ “trở thành dĩ vãng” do khủng hoảng tín dụng.
Nếu bị Wachovia thâu tóm, Morgan Stanley sẽ là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ “trở thành dĩ vãng” do khủng hoảng tín dụng.
Chứng kiến giá cổ phiếu của mình trải qua ngày sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ lo ngại sẽ không thể vượt qua nổi cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay.

Ngay lập tức, Morgan Stanley đã tiến hành đàm phán để sáp nhập với Ngân hàng Wachovia.

Tìm lối thoát

Thông tin về vụ đàm phán này xuất hiện chỉ một ngày sau khi CEO John Mack của Morgan Stanley tuyên bố ngân hàng đầu tư này không muốn sáp nhập với một ngân hàng thương mại. Sau các biến cố lớn ở Merrill Lynch và Lehman Brothers, các quan chức của Goldman Sachs và Morgan Stanley cùng khẳng định, họ có đủ vốn và tiền mặt để vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên, Phố Wall luôn có những diễn biến bất ngờ.

Theo tin từ Reuters, có một số nguồn tin cho biết, hiện cuộc đàm phán giữa Morgan Stanley và Wachovia đang diễn ra ở mức độ sơ bộ và chưa có chi tiết cụ thể nào được tiết lộ. Hiện phía Morgan Stanley và Wachovia đều từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào về vấn đề này.

Người phát ngôn của Morgan chỉ cho biết ngắn gọn: “Hiện những người giỏi nhất của chúng tôi đang tập trung tìm giải pháp cho tình hình hiện nay”.

Trong khi đó, hãng CNBC cũng đưa tin Morgan Stanley có thể đàm phán sáp nhập với tập đoàn Citic của Trung Quốc.

Một số tờ báo khác thì đưa tin một số ngân hàng khác như HSBC, Wells Fargo và JPMorgan Chase cũng quan tâm tới việc mua lại Morgan Stanley. Tuy nhiên, các đại diện của các ngân hàng này đều chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào. Một số nguồn tin thân cận cho rằng, khó có khả năng HSBC muốn mua lại Morgan Stanley.

Hãng Reuters cho biết, đàm phán giữa Morgan Stanley và Wachovia bắt nguồn từ việc CEO Jonh Mack của Morgan Stanley nhận được một cú điện thoại từ Wachovia bày tỏ thái độ quan tâm tới thỏa thuận mua lại Morgan Stanley.

Nếu bị Wachovia thâu tóm, Morgan Stanley sẽ là "đại gia" ngân hàng đầu tư thứ 4 của Mỹ “trở thành dĩ vãng” do khủng hoảng tín dụng. Các “nạn nhân” trước đó là Bear Stearns, Merrill Lynch và Lehman Brothers.

Cả hai đều yếu

Mới hôm thứ Ba, cùng với Goldman Sachs, Morgan Stanley thông báo kết quả kinh doanh quý 3 tốt đẹp hơn dự kiến và mức dự trữ tiền mặt khả quan. Mặc dù, mới cuối năm ngoái, Morgan Stanley thua lỗ khoảng 10 tỷ USD do đầu tư vào các loại chứng khoán địa ốc.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Morgan Stanley đã sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm thứ 4, đánh dấu ngày sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử, với mức giảm 24%, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm là 21,75 USD/cổ phiếu.

Động thái tiếp quản tập đoàn bảo hiểm lớn nhất của Mỹ AIG của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm qua xem ra không đủ khả năng để phục hồi niềm tin cho thị trường. Giá các hợp đồng bảo hiểm cho khả năng vỡ nợ của các doanh nghiệp Phố Wall đã tăng tới mức kỷ lục.

Morgan Stanley thì cho rằng, giá cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm là do hoạt động bán khống của các nhà đầu tư. Trong một bản tin nội bộ, CEO này nói: “Giữa lúc thị trường bị kiểm soát bởi nỗi lo sợ và những tin đồn, các nhà đầu tư bán khống đang đẩy giá cổ phiếu của Morgan Stanley xuống”. Hiện Morgan Stanley đang nỗ lực để chặn lại hoạt động bán khống này.

Wachovia cũng gặp không ít khó khăn do khủng hoảng, xuất phát chủ yếu từ việc ngân hàng này mua lại ngân hàng Golden West ngay giữa lúc giá nhà tại Mỹ ở mức đỉnh. Cổ phiếu của Wachovia hôm qua cũng mất giá tới 21%, còn 9,12 USD/cổ phiếu.

Sau khi nhậm chức vào tháng 7, CEO Robert Steel của Wachovia liên tục nỗ lực để đạt khoản cắt giảm chi phí 1,5 tỷ USD và giảm thiểu rủi ro nhằm đương đầu với những khoản lỗ gia tăng từ số tiền cho vay địa ốc lên tới 122 tỷ USD của ngân hàng này.

Là ngân hàng thương mại lớn thứ tư ở Mỹ, có trụ sở tại Charlotte, Bắc California, với chi nhánh tại 21 bang, Wachovia có giá trị thị trường 19,7 tỷ USD. Còn Morgan Stanley, ngân hàng đầu tư lớn thứ hai của Mỹ, hiện có giá trị thị trường là 24,1 tỷ USD.

Làn sóng sáp nhập trong ngành tài chính

Bình luận về khả năng thành công của vụ sáp nhập giữa Morgan Stanley và Wachovia, giới phân tích tỏ ra bi quan.

Hãng Reuters dẫn lời ông James Ellman, một giám đốc quản lý quỹ kiêm chủ tịch công ty SeaCliff Capital có trụ sở ở San Francisco cho rằng: “Hai công ty yếu không thể tạo thành một công ty mạnh. Chẳng phải thị trường đã cho thấy khả năng cả hai tập đoàn này đều có khả năng phá sản đó sao?”

Hãng Bloomberg dẫn lời ông Douglas Ciocca, Giám đốc điều hành công ty tài chính Renaissance Financial ở bang Kansas cho rằng: “Wachovia vẫn có nhiều vấn đề phải giải quyết. Tôi cho rằng, hai bên cần xem xét kỹ lưỡng hơn”.

Nguy cơ của Morgan Stanley có thể khiến các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ kêu gọi mạnh mẽ hơn nữa các cơ quan chức năng Mỹ thực hiện các biện pháp cứu thị trường, thậm chí là thành lập một cơ quan chính phủ để mua lại những tài sản bị mất giá nghiêm trọng.

Giữa cuộc khủng hoảng tài chính, đã nổi lên làn sóng mua lại và sáp nhập trong ngành ngân hàng Mỹ. Sau khi Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, các bộ phận chủ chốt của ngân hàng đầu tư này được bán lại cho ngân hàng Barclays của Anh với giá 1,75 tỷ USD; Bank of America đã đồng ý mua lại Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD; hồi tháng 3, JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns với giá trên 1 tỷ USD.

CNN cho hay, ngân hàng Washington Mutual đang lên kế hoạch sáp nhập với một ngân hàng khác và đã thuê Goldman Sachs tư vấn cho vụ sáp nhập này. Các khách mua tiềm năng của Washington Mutual hiện có JPMorgan Chase, Citigroup, HSBC và Wells Fargo.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, ngân hàng Lloyds TBS Group của Anh cũng đang cân nhắc mua lại ngân hàng cho vay địa ốc HBOS với giá khoảng 22 tỷ USD. Nếu thương vụ này thành công, kết quả sẽ là một ngân hàng cho vay khổng lồ, chiếm hơn 1/4 thị trường cho vay địa ốc ở Anh.