13:00 16/07/2025

Một công ty chứng khoán dự báo VN-Index có thể lên tới 1.756 điểm ngay cuối năm nay

Thu Minh

VN-Index được dự báo có thể hướng đến vùng 1.513 – 1.756 trong vòng 6–8 tháng tới, tương đương mức tăng 6%–23% so với mức đóng cửa ngày 9/7/2025.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong nhận định triển vọng thị trường chứng khoán tới đây, Chứng khoán Rồng Việt dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index năm 2025 sẽ đạt 114–120 đồng, tương đương mức tăng 15–21% so với cùng kỳ năm trước. 

VN-Index được dự báo có thể hướng đến vùng 1.513 – 1.756 trong vòng 6–8 tháng tới, tương đương mức tăng 6%–23% so với mức đóng cửa ngày 9/7/2025.

Tác động trực tiếp từ thuế quan lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ không quá lớn, do môi trường vĩ mô đang được điều hành theo hướng giảm thiểu bất định, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến xu hướng các quốc gia tăng cường khai thác nội lực, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo này: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, giữ lãi suất ở mức thấp, đồng thời đẩy mạnh vai trò khu vực tư nhân trong thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.

Với bức tranh đó, VDSC tin rằng các nhóm ngành như: Ngân hàng, Bất động sản, Phi tài chính phục vụ thị trường nội địa trong bối cảnh nhóm xuất nhập khẩu chỉ đóng góp ~ 3% vào tổng lợi nhuận thị trường sẽ tiếp tục là trụ đỡ tăng trưởng lợi nhuận thịtrường trong phần còn lại của năm 2025.

Dựa trên mô hình đánh giá tương quan giữa các yếu tố như tăng trưởng GDP, tín dụng, vòng quay tài sản và biên lợi nhuận, EPS 2025 được ước tính tăng trưởng khoảng 15,3% so với cùng kỳ.

Trong bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2025, Ngân hàng, Tiện ích, Bất động sản và Nguyên vật liệu là 4 nhóm ngành nổi bật nhất. Ngành ngân hàng đóng vai trò trụ cột với mức đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn thị trường, nhờ kỳ vọng nới lỏng tín dụng và giảm chi phí dự phòng.

Nhóm tiện ích ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ khi biên lợi nhuận cải thiện rõ rệt từ nền thấp, đặc biệt là mảng điện nhờ điều kiện thủy văn và chính sách huy động của EVN thuận lợi hơn. Bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động bàn giao dự án và cho thuê khu công nghiệp phục hồi, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quay trở lại.

Trong khi đó, nhóm nguyên vật liệu dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhờ nhu cầu hồi phục và xu hướng tích cực của giá hàng hóa. Đây là những nhóm ngành đóng vai trò dẫn dắt xu hướng hồi phục lợi nhuận toàn thị trường trong năm tới.

Một công ty chứng khoán dự báo VN-Index có thể lên tới 1.756 điểm ngay cuối năm nay - Ảnh 1

Theo thống kê từ Bloomberg, EPS của VN-Index năm 2025 được tổng hợp theo phương pháp “bottom-up”từ các dự phóng của chuyên viên phân tích trên thị trường đang cho thấy kỳ vọng tăng trưởng khoảng 21% so với cùng kỳ, tương đương đạt mức 120 đồng/cổ phiếu. Điểm đáng chú ý là dữ liệu dự báo EPS năm nay có xu hướng ổn định hơn so với các năm trước, dù vẫn tồn tại một số yếu tố bất định về môi trường kinh tế toàn cầu như rủi ro từ chính sách thuế quan.

Kỳ đánh giá tháng 3/2025 của Russell tiếp tục cho thấy khả năng Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi đã ở rất gần. FTSE đã đề xuất Việt Nam cần thiết lập các cơ chế hiệu quả hơn tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các NĐT nước ngoài. Một trong những điểm FTSE nhấn mạnh là việc mở tài khoản giao dịch cho NĐT nước ngoài cần trở nên thuận tiện, minh bạch hơn, giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn Việt Nam.

Trước những yêu cầu đó, Chính phủ đã ban hành các thông tư bổ sung như Thông tư 18, Thông tư 03 trong năm 2025, sau Thông tư 68 ban hành tháng 11/2024, đồng thời chính thức đưa vào vận hành hệ thống KRX từ tháng 5/2025.

Khi nâng hạng thành hiện thực, thị trường Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ tham chiếu toàn toàn cầu quy mô ~ 1 tỷ USD, góp phần cải thiện thanh khoản và định giá.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi các rủi ro như biến động địa chính trị, áp lực tỷ giá nếu FED trì hoãn hạ lãi suất, và sự bất định trong chính sách của chính quyền Trump. Dù vậy, các rủi ro này phần lớn chỉ mang tính nguy cơ và có thể tác động tâm lý thị trường trong thời gian ngắn và khó ảnh hưởng đến nền tảng cơ bản của doanh nghiệp nếu không mang tính cấu trúc.

Xu hướng đa cực đang làm gia tăng bất ổn kinh tế – chính trị toàn cầu, với các rủi ro như thay đổi chính sách thuế quan, địa chính trị bất ngờ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng và tâm lý thị trường Việt Nam. Nếu Fed tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất, áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ trong nước sẽ gia tăng, nhất là khi Việt Nam đang nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, trong khi dự trữ ngoại hối vẫn còn hạn chế.

Dù thuế quan của Việt Nam hiện khá thuận lợi so với nhiều quốc gia, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro khi Mỹ chưa có quyết định chính thức cho một số ngành, và khả năng diễn giải bất lợi khái niệm "transshipment" ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất – xuất khẩu dài hạn. Thị trường cũng đang phản ứng nhạy cảm, thậm chí thái quá, trước các tuyên bố từ Trump hay các sự kiện địa chính trị lớn.