Một loạt quốc gia lập kỷ lục về số ca nhiễm mới Covid-19 do biến chủng Delta
Biến chủng Delta hiện chiếm 80% số ca nhiễm mới ở Mỹ, đồng thời khiến nhiều nước như Hàn Quốc và Thái Lan lập kỷ lục mới về số ca nhiễm...
Biến chủng Delta hiện đã chiếm hơn 80% số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ, nhưng các vaccine đã được cấp phép ở nước này vẫn đạt hiện quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong – chuyên gia cấp cao nhất của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, tiến sỹ Anthony Fauci, cho biết trong một phiên điều trần tại Thượng viện ngày 20/7.
Cùng với đó, biến chủng Delta cũng là nguyên nhân khiến một loạt quốc gia lập kỷ lục về số ca nhiễm mới những ngày gần đây.
Được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào đầu năm nay, Delta là biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn và do đó đã trở thành biến chủng chủ đạo ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Hiện Delta đã có mặt tại hơn 90 quốc gia trên thế giới.
Trong tuần trước, số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ bình quân 239 ca mỗi ngày, cao hơn gần 48% so với tuần trước đó, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho biết trong cuộc điều trần.
Cũng tại cuộc điều trần này, quyền Giám đốc Cơ quan thực phẩm và dược phẩm liên bang Mỹ (FDA) kêu gọi các tiểu bang tiếp tục giữ số vaccine tồn kho trong lúc nhà sản xuất xác định thời hạn bảo quản vaccine. Một lượng lớn vaccine Covid-19 chưa sử dụng ở Mỹ sẽ hết hạn trong vài tuần tới đây nếu thời hạn bảo quan không được gia hạn.
CDC Mỹ hiện đang rà soát dữ liệu từ các nhóm người được tiêm vaccine Covid-19 để xác định xem sự bảo vệ có thể kéo dài trong bao lâu, từ đó ra quyết định về việc có cần phải tiêm mũi nhắc lại hay không, theo ông Fauci.
Biến chủng Delta cũng là nguyên nhân khiến số ca nhiễm Covid-19 mới ở Hàn Quốc lập kỷ lục. Ngày 20/7, nước này xác nhận 1.784 ca nhiễm mới, nhiều chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bắt đầu và phá vỡ đỉnh cũ thiết lập vào tuần trước – CDC Hàn Quốc cho biết ngày 21/7.
Tại Australia, biến chủng Delta đang lây lan mạnh tại các thành phố lớn, khiến hơn một nửa trong số 25 triệu dân của nước này bị đặt trong tình trạng phong toả nghiêm ngặt từ ngày 21/7.
Bang South Australia đã gia nhập danh sách những bang bị phong toả, gồm Victoria và Sydney, với yêu cầu người dân phải ở trong nhà để ngăn đà lây lan của đợt bùng dịch tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay. Số ca nhiễm mới ở Sydney đã giảm trong 3 ngày trở lại đây, nhưng vẫn có nhiều ca không truy được nguồn gốc, đặt ra khả năng thành phố này không thể mở cửa trở lại vào ngày 30/7 như kế hoạch.
So với nhiều nước phát triển khác, Australia khá thành công trong việc giữ số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp, đến nay có 32.100 ca nhiễm và 915 ca tử vong. Tuy nhiên, tốc độ triển khai vaccine chậm và việc đóng-mở cửa liên tục khiến người dân bất bình.
Thủ tướng Australia Scott Morrison bị chỉ trích vì chiến dịch tiêm chủng chậm chạp, trong khi ông Morrison đổ lỗi cho sự thay đổi tư vấn y tế về vaccine AstraZeneca và nguồn cung vaccine Pfizer eo hẹp.
Tại Đông Nam Á, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia ngày 20/7 tuyên bố gia hạn phong toả đến ngày 25/7 do số ca nhiễm vẫn ở mức cao. Do biến chủng Delta, Indonesia hiện là một trong những quốc gia có số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất thế giới, bất chấp việc áp lệnh phong toả ngặt nghèo từ hôm 3/7.
Trong vòng 1 tuần qua, số ca nhiễm mới ở nước này dao động quanh ngưỡng khoảng 50.000 ca mỗi ngày. Đến ngày 20/7, số ca tử vong đã ở trên ngưỡng 1.000 ca mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp.
Cơ quan y tế Thái Lan sáng 21/7 cho biết nước này ghi nhận kỷ lục 13.002 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, phá vỡ kỷ lục thiết lập hôm 20/7, trong đó có hơn 1.000 ca phát hiện trong các trại giam.