07:47 23/10/2023

Một ngân hàng trong diện tái cơ cấu dự kiến nợ xấu dưới 3% đến năm 2025

Kỳ Phong

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, mã chứng khoán: PGB) sẽ tăng vốn điều lệ sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Cùng đó, đẩy mạnh tái cơ cấu sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thoái vốn...

PGBank sẽ đổi tên sau khi Petrolimex thoái vốn.
PGBank sẽ đổi tên sau khi Petrolimex thoái vốn.

Theo công bố thông tin ngày 25/8/2023 của PGBank, ngân hàng sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 23/10 để thông qua 4 nội dung chính.

Thứ nhất, thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. 

Theo đó, PGBank dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%. 

 

PGBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3 nghìn tỷ lên 5 nghìn tỷ. Cơ cấu: phát hành 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu; chào bán 26,67% cho cổ đông hiện hữu. 

Thứ hai, PGBank trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2023 và năm 2024. Trong đó, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 26,67%, tương ứng tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch chào bán, PGBank dự kiến chào bán tối đa 80 triệu cổ phiếu và giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.

PG Bank cho biết, dự kiến số tiền huy động là 2.000 tỷ đồng, ngân hàng sẽ sử dụng 30 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn; 300 tỷ đồng đầu tư nâng cấp phần mềm, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị tin học và dự án chuyển đổi ngân hàng; 300 tỷ đồng đầu tư Trái phiếu Chính phủ và trái phiếu tổ chức tín dụng khác phát hành; còn lại 1.370 tỷ đồng cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Thứ ba, thông qua thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính.

Cụ thể, PG Bank muốn đổi địa chỉ trụ sở từ tầng 16, 23, 24 Toà nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP. Hà Nội sang địa chỉ mới là Toà nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Đồng thời, ngân hàng muốn đổi tên, giao cho Hội đồng quản trị xem xét, quyết định cụ thể phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ tư, thông qua phương án cơ cấu và nhân sự thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.

PGBank cho biết, trên cơ sở đánh giá của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) về việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định cũng như ý kiến của các bộ/ngành liên quan, ngày 28/8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX).

Bên cạnh đó, PG Bank nhận được đơn từ nhiệm của một số thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Vì vậy, Đại hội đồng cổ đông của PG Bank sẽ phải thực hiện kiện toàn lại bộ máy quản trị, kiểm soát của ngân hàng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định. 

Theo tài liệu tờ trình thông qua nhân sự thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đồng cổ đông sẽ tiến hành miễn nhiệm 5 thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Mạnh Hải, ông Oliver Schwarzhaup và ông Nilesh Banglorewala, ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Nguyễn Phi Hùng. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ miễn nhiệm 2 thành viên Ban Kiểm soát là bà Dương Ánh Tuyến, ông Nguyễn Tuấn Vinh.

Danh sách dự kiến bầu bổ sung thành viên Hội đồng  quản trị có 5 người: ông Đào Phong Trúc Đại, ông Phạm Mạnh Thắng (đang là Tổng Giám đốc PG Bank), bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính, ông Nguyễn Thành Lâm