10:52 11/06/2013

Mua vũ khí ở Yemen dễ như mua rau

Thanh Hải

Tại các đám cưới và sự kiện xã hội, đàn ông ở Yemen thường tỏ ra tự hào khi khoe súng ống của họ

Với ước tính trung bình mỗi công dân trong số 23 triệu dân ở Yemen có ít
 nhất 2 khẩu súng, thì hàng năm quốc gia này có tới hàng nghìn người 
thiệt mạng vì xung đột xã hội và tranh chấp giữa các bộ lạc, thường bắt 
nguồn từ tranh chấp đất đai và nước.
Với ước tính trung bình mỗi công dân trong số 23 triệu dân ở Yemen có ít nhất 2 khẩu súng, thì hàng năm quốc gia này có tới hàng nghìn người thiệt mạng vì xung đột xã hội và tranh chấp giữa các bộ lạc, thường bắt nguồn từ tranh chấp đất đai và nước.
“Nếu bạn cần tìm một khẩu AK-47, một khẩu súng bắn tỉa hoặc thậm chí là một khẩu súng phòng không, bạn chỉ cần dành ra nửa tiếng lượn quanh chợ vũ khí Jihana, một trong những nơi buôn bán vũ khí lớn nhất Yemen, là có thể mua được thứ mình cần”.

Đó là nhận định của phóng viên Khaled Abdullah từ hãng tin Reuters. Jihana là một ngôi làng nằm cách thủ đô Sanaa của Yemen khoảng 30 km về phía đông nam. Yemen hiện là một trong những quốc gia được trang bị nhiều nhất các loại vũ khí chết người. Mặc dầu các bộ lạc ở quốc gia này đã được vũ trang “tới tận răng”, song vẫn còn quá nhiều súng ống được bán ngoài chợ như thể mọi người dân nơi đây đều cần phải được vũ trang.

“Ở đây, bạn có thể trang bị vũ khí cho mình đầy đủ như bạn muốn”, Mohammad Sharaf, một tay buôn súng ở Jihana, cho hay. Một khẩu AK-47 thường có giá từ 700 cho tới 1.700 USD tùy theo năm sản xuất, hãng chế tạo và chất lượng. Phần lớn chủ cửa hàng ở đây không hoan nghênh nhà báo. Nhiều người tin rằng, việc đăng tin bài công khai về ngôi chợ này sẽ khiến nó càng trở nên dễ dàng bị chính phủ triệt phá hơn.

“Xin mời đi cho”, một lái súng ở Jihana hét lên. “Chúng tôi không muốn gặp thêm rắc rối từ các nhà báo nữa đâu”, một người khác nói. Tuy nhiên, cũng có một số nhà buôn vui vẻ cho xem hàng hóa của họ, từ những khẩu súng máy, súng trường bắn tỉa, súng lục cho tới máy quay phim.

Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát việc buôn bán vũ khí, vào năm 2007, Chính phủ Yemen đã tung ra một chiến dịch trên phạm vi toàn quốc, đóng cửa các khu chợ kinh doanh vũ khí, trong đó có ngôi chợ ở Jihana. Trong suốt thời gian của chiến dịch này, cảnh sát đã buộc khoảng 300 cửa hàng bán vũ khí tại 18 ngôi chợ phải đóng cửa, nhưng chỉ 6 tháng sau đó, các cửa hàng này lại được phép mở cửa buôn bán trở lại.

Yemen đang vật lộn với việc khôi phục trạng thái bình thường sau khi xảy ra những vụ bạo động ở thủ đô Sanaa và những thành phố khác, bắt nguồn từ các cuộc biểu tình kiểu “Mùa xuân Arab”. Mặc dù một trong những trở ngại chính trong việc khôi phục an ninh và ổn định là việc súng ống vẫn nằm trong tay dân thường, chiến binh hay các bộ lạc, nhưng việc buôn bán vũ khí vẫn bùng nổ tại các khu chợ quanh Sanaa.

Bất kể là thành viên của những bộ lạc có mối hận thù chết người hay những chiến binh đang chiến đấu cho một tổ chức vũ trang, họ cũng đều lao vào tích trữ vũ khí từ những ngôi chợ như vậy. Ở Yemen, không chỉ có những cuộc xung đột chính trị, mà còn có cả những trận giao tranh đẫm máu giữa các lực lượng chính phủ và thành viên mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Với ước tính trung bình mỗi công dân trong số 23 triệu dân ở Yemen có ít nhất 2 khẩu súng, thì hàng năm quốc gia này có tới hàng nghìn người thiệt mạng vì xung đột xã hội và tranh chấp giữa các bộ lạc, thường bắt nguồn từ tranh chấp đất đai và nước. Tuy nhiên, thay đổi văn hóa ở Yemen không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tại các đám cưới và sự kiện xã hội, đàn ông Yemen thường tỏ ra tự hào khi khoe súng ống của họ.

Tại một trong những đám cưới ở tỉnh Amran, Khaled Abdullah đã trông thấy một cậu bé 7 tuổi đang vác trên vai khẩu AK-47. Đây là một chuyện lạ và thật khó tin khi một cậu bé ít tuổi như vậy có thể sử dụng được một loại vũ khí như thế. Phóng viên Reuters đã nhanh chóng chụp ảnh cậu bé khi cậu ta rời đám tiệc. “Tôi muốn để nó quen với việc cầm súng”, một người đàn ông đi sau phóng viên vui vẻ nói. Anh ta là bố của đứa trẻ.

Lượng vũ khí phong phú ở Yemen là “cơ hội” cho những chiến binh có thể vũ trang cho bản thân và hành động tự do hơn. Một xã hội được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng như Yemen cũng đồng nghĩa với việc quốc gia này có thể chỉ kiểm soát được một số khu vực nhất định. Điều đó đã khiến nơi đây trở thành khu vực ẩn nấp lý tưởng cho những kẻ nổi loạn, chẳng hạn như các thành viên của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.