Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học mới 2019 - 2020
Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên theo mức lương cơ sở mới 1,49 triệu đồng/tháng tương ứng là 67.050 đồng/tháng
Liên quan đến việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2019-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thực hiện theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên tương ứng là 67.050 đồng/tháng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%, tương ứng với 20.115 đồng/tháng, học sinh sinh viên đóng 70%, tương ứng với 46.935 đồng/tháng.
Học sinh, sinh viên cũng có thể lựa chọn các phương thức đóng linh hoạt 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm phù hợp với điều kiện kinh tế. Trong đó, mức đóng bảo hiểm y tế 3 tháng sẽ là 201.150 đồng (nhà nước hỗ trợ 60.345 đồng, học sinh sinh viên đóng 140.805 đồng). Đóng bảo hiểm y tế cho 6 tháng sẽ là 402.300 đồng (nhà nước hỗ trợ 120.690 đồng, học sinh sinh viên đóng 281.610 đồng.
Đóng bảo hiểm y tế cho 9 tháng sẽ là 603.450 đồng (nhà nước hỗ trợ 181.035 đồng, học sinh sinh viên đóng 422.415 đồng. Đối với hình thức đóng 1 năm, mức đóng sẽ là 804.600 đồng (nhà nước hỗ trợ 241.380 đồng, học sinh sinh viên chỉ phải đóng 563.220 đồng).
Về thời hạn thẻ, đối với học sinh lớp 12, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 năm đó. Đây là quy định mới tại điểm a khoản 7 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh tham gia bảo hiểm y té liên tục trước khi vào đại học, cao đẳng, học nghề.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ sở giáo dục tập trung hướng dẫn, hỗ trợ học sinh sinh viên (đặc biệt là học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10, sinh viên năm thứ nhất) cách thức tra cứu thông tin mã số bảo hiểm xã hội.
Vị trí của mã số bảo hiểm xã hội trên mã thẻ bảo hiểm y tế đối với học sinh cấp 1 là thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đối với học sinh lớp 6, lớp 10 là thẻ bảo hiểm y tế học sinh đã được cấp của năm trước đó.
Đối với sinh viên năm thứ nhất hoặc học sinh các trường trung học, cao đẳng là các thẻ bảo hiểm y tế đã được cấp nếu có, ví dụ: Thẻ bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, thẻ bảo hiểm y tế đối tượng người nghèo, thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình…
Đối với công tác bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê tính từ ngày 1/7/2018 đến ngày 31/7/2019 trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của đối tượng học sinh sinh viên, đã có hơn 8,2 triệu lượt khám chữa bệnh, với số tiền đề nghị bảo hiểm thanh toán là 2.399 tỷ đồng.
Các trường hợp học sinh sinh viên được Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú lớn từ 100 triệu đồng trở lên trong tháng 7/2019 là 512 lượt thẻ học sinh.
Trong đó, có 499 lượt khám chữa bệnh, chi phí từ 100-500 triệu đồng/đợt điều trị; có 13 lượt khám chữa bệnh, chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân chi phí cho bảo hiểm y tế trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.
Theo báo báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước đến hết 31/8/2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 14,83 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 449 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp khoảng 14,69 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số.
Trong tháng 8, toàn ngành thu 30.912 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 8/2019 toàn ngành thu 231.200 tỷ đồng, đạt 64,3% kế hoạch cả năm.
Trong tháng 8, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 25.879 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8/2019, số chi bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 207.664 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch cả năm.