15:21 06/06/2013

“Muốn phá băng tín dụng, phải xử lý nợ xấu”

Thành Tâm

TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm 2013 sẽ đạt khoảng 12%

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Việt Nam (BDI).
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Việt Nam (BDI).
So với cùng kỳ năm ngoái, nhiều chỉ số đang chứng tỏ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đang “ấm” dần lên. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, vẫn còn đó những thách thức cả trước mắt và dài hạn.

Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Việt Nam (BDI) đã bày tỏ góc nhìn của mình.

Thưa ông, sau nhiều tháng ở trên mức an toàn (trên 50%), tháng 5/2013, chỉ số quan trọng PMI (chỉ số quản lý mua hàng) của Việt Nam theo công bố của HSBC đã lại thụt về mức 48,8, điều này thể hiện điều gì của nền kinh tế?

Theo tôi, nhìn nhận một cách tổng quan nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi từ đáy. Nhiều chỉ số quan trọng đã có những cải thiện đáng kể so với hồi đầu năm.

Đặc biệt, chỉ số PMI (chỉ số quản lý mua hàng) theo công bố HSBC từ tháng 1/2013 đều thấp dưới 50, tuy nhiên từ tháng 3/2013 bắt đầu lên 50,8, tháng 4/2013 vào khoảng 51, và tháng 5/2013 ở mức 48,8, có tụt giảm chút ít. Tuy nhiên, nhìn vào hai chỉ số PMI và chỉ số tăng trưởng công nghiệp thì chúng ta có thể thấy xu thế của ngành công nghiệp đang phục hồi.

Thưa ông, “phá băng tín dụng” là một cụm từ thời thượng, nhưng phá “băng” như thế nào, phá ra sao không phải là điều đơn giản. Dưới góc độ một chuyên gia tài chính, ông có thể lý giải rõ hơn, đặc biệt là với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam?

Có ý kiến cho rằng việc phá băng tín dụng có thể đạt được một cách rõ ràng bằng các giải pháp như giảm lãi suất tiền gửi và cho vay, làm cho cầu tín dụng tăng lên. Ở đây, tôi nghĩ vấn đề không đơn giản như vậy.

Chúng ta thấy Mỹ bắt đầu chiến lược phá băng tín dụng vào năm 2008 và họ đã chi tới 4.000 tỷ USD cả từ ngân sách liên bang và ngân hàng trung ương để mua nợ xấu, thực chất là các tài sản độc hại và các loại trái phiếu có thế chấp bất động sản. Rồi họ xử lý cho phá sản gần 800 ngân hàng nhỏ và đã bỏ ra hàng trăm tỷ USD để cứu trợ các tập đoàn lớn như GM là một ví dụ...

Nhưng cũng phải mất đến gần 5 năm trời, nghĩa là phải đến quý 1/2013 vừa rồi Mỹ mới tuyên bố “tảng băng tín dụng” bắt đầu tan sau khi đã tốn kém rất nhiều tiền của, sức lực. Điều đó cho thấy phá băng tín dụng là vấn đề không hề đơn giản, mặc dù mức lãi suất của Mỹ trong 5 năm vừa rồi hầu như không thay đổi ở mức thấp tuyệt đối.

Tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể năng động hơn, và khoảng thời gian cần để chúng ta phá băng tín dụng có thể không dài bằng Mỹ, nguồn lực chúng ta cần cũng có thể không lớn như vậy, nhưng nhất thiết phải có thời gian, và nhất thiết phải áp dụng các biện pháp và các bước xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém như Mỹ và các nước khác đã làm.

Động thái phá băng tín dụng có mấy bước mà hầu như tất cả các quốc gia khác đều gặp phải là: thứ nhất, phá băng tín dụng trong hoàn cảnh “cầu” rất yếu, khiến cho người ta có cảm giác ngay cả hạ lãi suất xuống rất thấp thì nhu cầu về vốn của doanh nghiệp vẫn không tăng.

Vì vậy, các nhà băng thương mại dường như không mấy tin tưởng vào khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng cảm thấy cầu tiêu dùng rất thấp, hàng tồn kho rất cao, vì vậy lòng tin của họ vào thị trường cũng bị giảm sút.

Rồi người tiêu dùng cũng cảm thấy thu nhập của họ cũng khó khăn, tương lai rất bấp bênh nên không dám tiêu dùng. Rõ ràng những trở ngại rất lớn như vậy khiến cho tín dụng không thể dễ gì tan chảy một cách nhanh chóng được.

Vì vậy, nhất định Chính phủ phải có những can thiệp để tăng tổng cầu. Mà can thiệp quan trọng nhất và đầu tiên theo tôi là Chính phủ phải đẩy mạnh đầu tư công nhằm vào những mục tiêu lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học...

Đặc biệt, phát hành trái phiếu để lấy tiền làm vốn đối ứng để giải ngân ODA. Bởi nếu cho doanh nghiệp vay 2 đồng vốn đối ứng thì chúng ta sẽ giải ngân được 8 đồng ODA, vì ODA đòi hỏi phải có 20% vốn đối ứng nhưng ngay cả 20% ấy chúng ta cũng không có, như vậy là 100% vốn ODA cứ nằm yên đấy không thể giải ngân được!

Hướng thứ hai là nhất thiết phải xử lý nợ xấu, đây chính là vật cản khiến cho doanh nghiệp và ngân hàng đều nhìn nhau, mặc dù tình trạng tài chính của các ngân hàng ngày càng khó khăn, lợi nhuận ngày càng giảm. Họ có nhu cầu thực sự là muốn đẩy tín dụng, nhưng không biết đẩy vào đâu, vì cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, có doanh nghiệp thì lâm vào nợ xấu, có doanh nghiệp không tìm được thị trường...

Đây có phải là nguyên nhân lý giải vì sao những gói tín dụng ưu đãi mà các ngân hàng thương mại tuyên bố tung ra trong thời gian gần đây (gần nhất là gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng giải cứu thị trường bất động sản) xuống rất chậm, thậm chí không xuống được với cộng đồng doanh nghiệp? Theo ông dự báo của ông, tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 sẽ ở mức nào?


Như đã nói lý do tạo nên băng tín dụng là nợ xấu, nếu không giải quyết vấn đề gốc gác này mà chỉ giải quyết vấn đề ngọn, tức là đẩy tín dụng ra, thì cũng có những tác động nhất định, nhưng đây cũng chỉ là những cú “hích”, như tăng đầu tư công, đẩy tín dụng ra để hỗ trợ thị trường bất động sản. Đấy chỉ là những biện pháp có tính chất hỗ trợ, về căn bản vẫn là phải xử lý được nợ xấu, mới thông được mạch tiền tệ khu vực ngân hàng.

Theo tôi, tăng trưởng tín dụng năm 2013 này sẽ đạt khoảng 12%, dù trong 5 tháng đầu là khá thấp. Bởi ai cũng hiểu, tín dụng thường tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm, ví như năm ngoái, 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, nhưng 6 tháng cuối năm tăng trưởng cũng lên xấp xỉ 9%.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)