Mỹ công bố danh sách áp thuế 25% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc
Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc, cho dù ông Trump tuyên bố sắp gặp ông Tập
Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc, cho dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh khối G20 vào cuối tháng tới - một cuộc gặp có thể giữ vai trò bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa hai nước.
Theo tin từ Bloomberg, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 13/5 đã công bố một danh sách các mặt hàng có tổng kim ngạch khoảng 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm, bao gồm từ quần áo và đồ chơi trẻ em cho tới điện thoại di động và máy tính xách tay, dự kiến sẽ bị ông Trump áp thuế quan trừng phạt 25%.
Nếu ông Trump chính thức áp thuế lên danh sách này, thì hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế trừng phạt. Một động thái như vậy sẽ biến cuộc chiến thương mại của ông Trump trở thành một sự thật hữu hình đối với ví tiền của hàng triệu người Mỹ, giữa lúc ông chuẩn bị chạy đua để giành thêm một nhiệm kỳ Tổng thống.
Theo quy trình được USTR đưa ra, kế hoạch đánh thuế nói trên dự kiến sớm nhất đến cuối tháng 6 sẽ có hiệu lực. Đó cũng chính là thời điểm ông Trump nói sẽ gặp ông Tập bên lề thượng đỉnh khối G20 vào ngày 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản,
"Có thể điều gì đó sẽ xảy ra", ông Trump nói về cuộc gặp dự kiến với ông Tập. "Chúng tôi sẽ gặp nhau tại G20 ở Nhật Bản. Tôi nghĩ đó sẽ là một cuộc gặp rất hiệu quả".
Thứ Sáu tuần trước, Mỹ tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25% từ 10% trước đó. Ngày thứ Hai, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế dao động từ 5-25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Sau động thái trên của Trung Quốc, ông Trump cảnh báo Bắc Kinh không nên đi quá xa trong việc đáp trả các động thái thương mại của Mỹ. "Có thể có một sự đáp trả, nhưng sự đáp trả đó không thể lớn được", ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
USTR cho biết kế hoạch áp thuế mới nhất không bao gồm một số mặt hàng như dược phẩm và đất hiếm. Tuy nhiên, việc đưa ra danh sách này và những bước leo thang mới nhất của cuộc chiến thương mại đã khiến các tổ chức doanh nghiệp ở Mỹ lên tiếng bày tỏ nỗi lo sợ.
"Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của Chính phủ trong việc mang lại một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa giúp tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Nhưng sự leo thang thuế quan mới nhất đã đi quá xa, trở thành một canh bạc đối với nền kinh tế Mỹ", ông Matthew Shay, Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, nói trong một tuyên bố.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng cuộc chiến thương mại căng thẳng có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái. Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng thuế quan tăng sẽ đẩy lạm phát ở Mỹ tăng, có thể tới mức gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế nước này.
Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị, nói rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung không phải là "con đường một chiều" và phải được thực hiện trên cơ sở bình đẳng. "Các nhà đàm phán của cả hai nước đều có khả năng và sự thông thái để giải quyết những nhu cầu chính đáng của nhau, và cuối cùng đạt một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi", một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị.