15:12 18/01/2008

Mỹ cứu trợ khẩn cấp các ngân hàng

Trung Việt

Ngày 16/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố bản báo cáo, thừa nhận kinh tế Mỹ đã bị mất đà khi bước sang năm 2008

Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke.
Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke.
Ngày 16/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố bản báo cáo, thừa nhận kinh tế Mỹ đã bị mất đà khi bước sang năm 2008.

Trước hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng, FED đã rót thêm 30 tỷ USD cho các ngân hàng với lãi suất ưu đãi; hai tập đoàn ngân hàng, đầu tư khổng lồ của Mỹ đã phải nhận hàng chục tỷ USD vốn cứu trợ khẩn cấp của nước ngoài.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu, nhất là chi cho mặt hàng ô tô và nhà đất. Chỉ số bán lẻ sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt từ mức trung bình 4,6% trong cả năm 2007 lên 5% ở thời điểm đầu năm 2008 cũng như sự trồi sụt liên tục của thị trường chứng khoán cũng cho thấy chiều hướng kinh tế xấu đi.

Kinh tế Mỹ đang mất đà

Báo cáo của FED cho biết kinh tế Mỹ trong 3 tháng cuối năm 2007 tuy vẫn tăng trưởng nhưng với đà chậm hơn so với những dự báo trước đây. Các khó khăn của thị trường tín dụng trong tháng 12/2007 gia tăng, trong khi cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong 16 năm qua trong lĩnh vực kinh doanh nhà đất chưa có dấu hiệu dừng lại.

Với những đánh giá không sáng sủa trên đây, các chuyên gia kinh tế dự báo trong cuộc họp định kỳ vào ngày 30/1 tới nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm tới 0,5% lãi suất các khoản vay ngắn hạn giữa các ngân hàng thương mại từ mức 4,25% hiện nay, nhằm kích thích kinh tế phát triển trở lại.

Trước những hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng, ngày 15/1, FED quyết định rót thêm 30 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại vay với tỷ lệ lãi suất ưu đãi 3,95% để ngăn chặn chiều hướng diễn biến nghiêm trọng hơn.

Đây là lần thứ 3 trong hơn một tháng qua FED phải sử dụng biện pháp đặc biệt này để hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất 3,95% là thấp nhất hơn nhiều so với tỷ lệ 4,67% và 4,67% của hai lần trước.

Tung hơn 100 tỷ USD tiền mặt vào thị trường (trong 3 lần), FED hy vọng sẽ có thêm vốn để các ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ vay nhằm ngăn chặn khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng tín dụng như đã từng xảy ra hồi tháng 8/2007 và quan trọng hơn là để kích thích kinh tế phát triển, tránh nguy cơ bị rơi vào suy thoái. FED có kế hoạch sẽ tung tiếp đợt tiền thứ 4 vào ngày 28/1 tới.

Các ngân hàng khánh kiệt vì nợ xấu

Do nguồn vốn hoạt động bị khánh kiệt vì những thiệt hại lớn từ các khoản nợ xấu trong lĩnh vực cho vay thế chấp, ngày 15/1, hai tập đoàn ngân hàng, đầu tư khổng lồ của Mỹ là Merrill Lynch & Co. và Citigroup Inc. đã phải chấp nhận hàng chục tỷ USD vốn đầu tư cứu trợ khẩn cấp của nước ngoài.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Merrill Lynch, ông John Thain, cho biết tập đoàn này đã nhận được mức cam kết đầu tư tổng cộng 6,6 tỷ USD từ ba ngân hàng đầu tư nước ngoài gồm Korean Investment Corp. (Hàn Quốc), Kuwait Investment Authority (Kuwait) và Mizuho Corporate Bank (Nhật Bản). Với khoản đầu tư này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chiếm giữ 9% cổ phần của Merrill Lynch.

Đây là lần thứ hai Merrill Lynch phải cầu viện nguồn đầu tư từ bên ngoài để có vốn tiếp tục hoạt động. Trước đó, ngày 24/12/2007, Merrill Lynch đã bán 5 tỷ USD cổ phần cho tập đoàn Temasek Holdings của Singapore và 1,2 tỷ USD cho Công ty Davis Selected Advisers của Mỹ.

Trong tuần này Merrill Lynch sẽ công bố mức thiệt hại trong quý 4/2007 do các khoản nợ không còn khả năng thanh toán, dự kiến cao hơn cả mức thiệt hại 7,9 tỷ USD trong quý 3/2007.

Ngay sau thông báo của Merrill Lynch, tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ Citigroup Inc. cho hay họ cũng đã nhận cam kết đầu tư cứu trợ 12,5 tỷ USD của các công ty nước ngoài trong đó có 6,88 tỷ USD từ công ty đầu tư Goverment of Singapore Investment Corp. của Chính phủ Singapore.

Với mức thiệt hại tới 18,1 tỷ USD trong quý 4/2007, trong đó có 9,83 tỷ USD liên quan tới thế chấp tài sản, tổng mức thiệt hại của Citigroup Inc. do các khoản nợ xấu đã lên tới 49 tỷ USD.

Trước thực trạng nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người dân Mỹ ngày càng tỏ ra lo lắng và bi quan, điều này dẫn đến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ G.Bush giảm mạnh.

Kết quả cuộc thăm dò qua điện thoại do báo Bưu điện Washington và hãng tin ABC News thực hiện với hơn 1.000 người, cho thấy 77% số người được hỏi cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng; chỉ có 28% ủng hộ Tổng thống trong vấn đề kinh tế.