Mỹ dọa trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế
Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu tòa án này đưa công dân Mỹ ra xét xử
Mỹ ngày 10/9 đe dọa sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu tòa án này đưa công dân Mỹ ra xét xử.
Theo hãng tin BBC, ICC hiện đang cân nhắc xét xử một số binh sỹ Mỹ bị tình nghi có hành vi lạm dụng những người bị bắt giữ ở Afghanistan.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Joh Bolton gọi ICC là "không chính đáng" và tuyên bố nước Mỹ sẽ là bất kỳ điều gì "để bảo vệ công dân của chúng tôi".
Ông Bolton từ lâu đã là một người lớn tiếng trong việc chỉ trích ICC, nhưng phát biểu của ông về ICC ngày 10/9 tập trung vào hai vấn đề chính.
Thứ nhất là việc công tố viên Fatou Bensouda của ICC năm ngoái đề nghị mở một cuộc điều tra toàn diện về nghi án tội ác chiến tranh ở Afghanistan, trong đó một số binh sỹ và quan chức tình báo Mỹ bị nghi có dính líu.
Về vấn đề này, ông Bolton nói không một quốc gia thành viên ICC nào đưa ra đề nghị như vậy, và ngay cả Afghanistan cũng không đưa ra đề nghị như vậy.
Vấn đề thứ hai là việc Palestine tìm cách đưa Israel ra trước ICC vì cáo buộc về lạm dụng nhân quyền ở dải Gaza và bờ Tây sông Jordan - một động thái mà Israel phủ nhận và cho là đã bị chính trị hóa.
Ông Bolton nói động thái của Palestine là một trong những lý do chính dẫn đến việc chính quyền Mỹ đi đến quyết định đóng cửa phái bộ ngoại giao của Palestine ở Washington.
Vị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gọi ICC là một nguy cơ đối với "chủ quyền và an ninh quốc gia Mỹ". Ông cho rằng ICC thiếu cơ chế cân bằng quyền lực, đòi giành quyền phán xử những vấn đề còn gây tranh cãi và có những định nghĩa mơ hồ, "không ngăn chặn và trừng phạt được những tội ác hung bạo".
Ông Bolton cũng nói ICC là một tổ chức "thừa thãi" vì chính quyền Mỹ "không công nhận bất kỳ thẩm quyền nào cao hơn Hiến pháp Mỹ".
"Chúng tôi sẽ không hợp tác với ICC. Chúng tôi sẽ không cung cấp sự hỗ trợ cho ICC. Chúng tôi sẽ không gia nhập ICC. Chúng tôi sẽ để cho ICC tự chết. Xét cho cùng, ICC đã chết đối với chúng tôi, về tất cả mọi ý nghĩa và mục đích", ông Bolton nói.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders ủng hộ phát biểu của ông Bolton, nói rằng Tổng thống Donald Trump sẽ dùng "bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ công dân của chúng tôi và đồng minh khỏi sự xét xử thiếu công bằng của ICC".
Theo ông Bolton, nếu Mỹ trừng phạt ICC, các thẩm phán và công tố viên của tòa án này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và tài khoản của họ tại Mỹ sẽ bị đóng băng.
"Chúng tôi sẽ truy tố họ theo luật hình sự Mỹ. Chúng tôi sẽ làm tương tự đối với bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào hỗ trợ cuộc điều tra của ICC nhằm vào công dân Mỹ", ông Bolton nói.
Ông Bolton cũng cho rằng cần có thêm các thỏa thuận song phương và ràng buộc nhằm ngăn chặn các quốc gia kiện công dân Mỹ lên ICC.
Về phần mình, ICC tuyên bố có sự ủng hộ của 123 quốc gia thành viên. "ICC, với tư cách là một định chế pháp lý, hành động đúng theo khuôn khổ luật pháp của Quy chế Rome và cam kết thực thi sứ mệnh của mình một cách độc lập, không thiên vị".
ICC được thành lập dựa trên Quy chế Rome vào năm 2002, chuyên xét xử tội phạm chiến tranh, tội phạm chống lại nhân loại, và tội diệt chủng. ICC can thiệp mỗi khi các quốc gia không thể hoặc không đưa những người phạm các tội ác này ra xét xử.
Khi ICC ra đời, Tổng thống Mỹ khi đó là George W Bush đã phản đối và không tham gia. Đến nay, Quy chế Rome đã được ký kết bởi 123 quốc gia, đồng nghĩa với việc còn hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Mỹ, chưa trở thành thành viên của ICC.
Khi còn nắm quyền, Tổng thống Barack Obama đã tìm cách tăng cường hợp tác giữa Mỹ với ICC. Trong khi đó, một số nước châu Phi đã kêu gọi rút khỏi ICC vì cho rằng bị đối xử thiếu công bằng trong tổ chức này.