14:34 03/01/2009

Mỹ: Khủng hoảng thanh khoản hay khủng hoảng niềm tin?

Mai Phương

Có ý kiến cho rằng, khủng hoảng ở Mỹ hiện nay là khủng hoảng niềm tin, bởi vậy việc nới lỏng mạnh chính sách tiền tệ là sai lầm

Phố Wall - trung tâm tài chính lớn nhất thế giới - chào đón năm mới với tâm trạng lẫn lộn buồn vui - Ảnh: Reuters.
Phố Wall - trung tâm tài chính lớn nhất thế giới - chào đón năm mới với tâm trạng lẫn lộn buồn vui - Ảnh: Reuters.
Để vực dậy nền kinh tế khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay, Chính phủ Mỹ đang áp dụng một chính sách tiền tệ quá lỏng mà một số chuyên gia cho là phù hợp hơn với thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930, thay vì cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Time mới đây, Giáo sư kinh tế Lawrence H. Officer thuộc Đại học Illinois, Mỹ, nhận định chính sách này phản ánh nhận thức sai lầm của Chính phủ nước này về tình hình hiện nay. Ông cũng cho rằng, đây sẽ không chỉ là sai lầm của chính quyền Bush, mà sẽ tiếp tục là nhầm lẫn của chính quyền Obama.

Trong bài viết này, ông Officer nhận định, chính sách chống khủng hoảng hiện nay của Mỹ cho thấy nhiều sai lầm nguy hiểm có thể kéo dài suy thoái.

Theo vị giáo sư này, quyết định mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất cơ bản đồng USD về khoảng 0 - 0,25% là một trong những sai lầm lớn nhất. Ông cho rằng, ngay từ khi FED còn đang áp dụng mức lãi suất mục tiêu 1%, lãi suất qua đêm liên ngân hàng ở Mỹ thực tế đã giảm xuống mức gần 0%. Do đó, quyết định hạ lãi suất của FED không có tác dụng điều chỉnh lãi suất trên thực tế mà chỉ gửi đi một thông điệp tiêu cực về tình trạng kinh tế Mỹ. Điều này làm niềm tin càng thêm suy giảm.

Với “đạn” lãi suất đã cạn, FED lại chuyển sang sử dụng một công cụ mới là đẩy mạnh tăng cường thanh khoản cho thị trường. Theo GS. Officer, đây lại là một sai lầm nữa, vì thanh khoản không phải là một khó khăn của các ngân hàng ở Mỹ hiện nay.

Đại suy thoái 1930 mới đúng là một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Khi đó, giá cổ phiếu sụt giảm, các ngân hàng cạn vốn và giá trị tài sản lao dốc. Chính sách tiền tệ hiện nay của Mỹ có lẽ phù hợp với Đại khủng hoảng, nhưng không phù hợp với tình hình hiện nay. Các vấn đề về thanh khoản không phải là nguồn gốc của những rắc rối tài chính mà kinh tế mà nước Mỹ đang đương đầu.

Trên thực tế, theo số liệu của FED công bố ngày 18/12, lượng thanh khoản dự trữ vượt mức cần thiết trong các tổ chức nhận gửi tiết kiệm ở Mỹ đã tăng từ mức dưới 2 tỷ USD trong tháng 8 lên mức kỷ lục 774 tỷ USD vào giữa tháng 12. Mặc dù vậy, các ngân hàng của nước này đã không tận dụng nguồn tiền thừa này để tăng cường hoạt động cho vay.

Tại sao như vậy? Theo Giáo sư Officer, đó là vì nước Mỹ đang đối mặt một cuộc khủng hoảng niềm tin, thay vì khủng hoảng thanh khoản. Với lượng tiền dự trữ dư thừa khổng lồ như trên, rõ ràng, lý do khiến các ngân hàng ngại cho vay không phải vì họ không có tiền cho vay. Điều mà các ngân hàng lo ngại ở đây là đối tượng vay tiền của họ, trong đó bao gồm cả các ngân hàng khác, sẽ không trả nợ.

Rõ ràng, các ngân hàng ở Mỹ đã mất niềm tin vào nhau. Các doanh nghiệp cũng ngại vay tiền vì sợ rủi ro. Người tiêu dùng cũng không dám chi tiêu vì lo có ngày mất việc.

Với lập luận như trên, Giáo sư Officer cho rằng, bằng con đường bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng, Chính phủ Mỹ sẽ chỉ khiến giai đoạn suy thoái hiện nay kéo dài thêm, đồng thời tạo tiền đề cho sự “bốc lên” của lạm phát một khi niềm tin được phục hồi giữa lúc nền kinh tế quá dư thừa tiền mặt. Dù đưa lãi suất USD về 0 - 0,25%, FED không thể đảm bảo rằng, các ngân hàng sẽ cho vay doanh nghiệp. Thực tế là, các ngân hàng Mỹ hiện nay không có động lực để cho vay với lãi suất thấp, khi mà bảo toàn vốn vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ.

Tệ hơn, Bộ Tài chính Mỹ còn làm cho ngành tài chính nước này thêm dư thừa tiền mặt qua các kế hoạch giải cứu. Lượng dư thừa thanh khoản trong các tổ chức tín dụng như đã nêu trên là bằng chứng cho thấy, năng lực cho vay của các ngân hàng còn ở mức cách xa so với lượng cung tiền. Một khi hoạt động cho vay đạt mức ngang bằng với lượng cung tiền, FED chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc hút tiền mặt dư thừa từ lưu thông về.

Suy thoái kinh tế thường dẫn tới giảm phát hoặc thiểu phát, và để giải quyết tình hình, biện pháp thường là thúc đẩy chi tiêu. Cơ chế giải quyết cần thiết và mang tính tự nhiên này sẽ vấp phải vấn đề lạm phát ngay khi suy thoái kết thúc. Đó chính là mối nguy của việc coi cuộc khủng hoảng niềm tin hiện nay như một cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Barack Obama của Mỹ đã bổ nhiệm Giáo sư kinh tế Christina D. Romer vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế. Sự bổ nhiệm này cho thấy, ông Obama sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách tiền tệ mà FED áp dụng hiện nay, vì bà Romer là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách này.

(Theo Time)