Mỹ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận “giai đoạn 1” với Trung Quốc
Mỹ tuyên bố “tiến gần tới hoàn tất” một số phần của thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn 1’ với Trung Quốc
Giới chức Mỹ và Trung Quốc "tiến gần tới hoàn tất" một số phần của thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn 1’ sau cuộc thảo luận cấp cao qua điện thoại vào ngày thứ Sáu - Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết cùng ngày, đồng thời nói rằng đàm phán ở cấp phó sẽ tiếp tục.
Tuy nhiên, USTR không công bố chi tiết cụ thể về những lĩnh vực mà đàm phán Mỹ-Trung đạt tiến bộ.
Các nhà đàm phán "đã có bước tiến trong những vấn đề cụ thể và hai bên đang tiến gần tới hoàn tất một số phần của thỏa thuận. Đàm phán sẽ tiếp tục ở cấp phó, và các trưởng đoàn sẽ có thêm một cuộc điện đàm nữa trong thời gian sớm", hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của USTR.
Nửa tháng qua, Washington và Bắc Kinh có nhiều nỗ lực nhằm đạt văn kiện thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" mà Tổng thống Donald Trump công bố hôm 11/10. Ông Trump đã bày tỏ hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận này cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Chile vào đầu tháng 11.
Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters vào ngày thứ Sáu rằng Trung Quốc muốn Washington rút lại một số thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy lời hứa của Bắc Kinh về tăng mua nông sản Mỹ như đậu tương. Mỹ thì muốn Trung Quốc cam kết cụ thể về mua nông sản theo thời gian và giá cả, trong khi Trung Quốc muốn mua nông sản Mỹ tùy theo điều kiện thị trường.
"Họ muốn đạt một thỏa thuận lắm rồi", ông Trump nói với các nhà báo tại Nhà Trắng ngày thứ Sáu. "Họ sẽ mua nhiều nông sản Mỹ hơn bất kỳ ai có thể hình dung".
Sau vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung ở Washington hồi đầu tháng này, ông Trump đã nhất trí hủy kế hoạch nâng thuế quan vào ngày 15/10 đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc nhất trí sơ bộ rằng sẽ mua thêm nông sản Mỹ, mở cửa rộng hơn thị trường tài chính, tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ, và cam kết một thỏa thuận về tỷ giá.
Tuy nhiên, tất cả các nhất trí này của hai bên mới chỉ là "thỏa thuận miệng" chứ chưa được soạn thành văn kiện cụ thể.
Hiện chính quyền ông Trump vẫn đang giữ kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12, chủ yếu là hàng tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi trẻ em. Trung Quốc được cho là đã đề nghị phía Mỹ hủy kế hoạch này trong cuộc điện đàm giữa hai bên vào ngày thứ Sáu.
Nếu thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc, nông dân Mỹ sẽ là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.
Trong thập kỷ trước khi ông Trump lên cầm quyền, nhập khẩu nông sản Mỹ và các sản phẩm liên quan vào Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần, đạt 25,2 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên, con số này đã giảm gần một nửa, còn 13,2 tỷ USD trong 2018, sau khi ông Trump áp thuế quan trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Mặc dù vậy, lượng nông sản mà Trung Quốc dự kiến tăng mua từ Mỹ vẫn chưa chắc chắn. Nhà Trắng nói Trung Quốc sẽ chi 40-50 tỷ USD mua nông sản Mỹ mỗi năm trong 2 năm, vượt xa mức 19,5 tỷ USD mà Trung Quốc đã mua nông sản Mỹ trong 2017.
Nguồn thạo tin nói Trung Quốc đề xuất bắt đầu với mức mua 20 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm, theo đó khôi phục lại nguyên trạng trước chiến tranh thương mại, và mức mua có thể tăng lên theo thời gian, tùy theo điều kiện thị trường và giá cả.
Nguồn thạo tin nói rằng thỏa thuận "giai đoạn 1" sẽ không giải quyết cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc tấn công vào hệ thống mạng của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ; vấn đề trợ cấp doanh nghiệp nhà nước; nghi vấn Trung Quốc bán phá giá hàng hóa trên thị trường toàn cầu; hay sự dính líu của Trung Quốc đến thị trường chất fentany.
Một số chuyên gia thương mại cho rằng việc hoàn tất một thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" có thể sẽ khiến Trung Quốc không còn muốn đàm phán thêm với Mỹ, nhất là khi Mỹ sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống trong năm 2020.
"Đàm phán Mỹ-Trung đã có sự thay đổi nhanh chóng, nhưng nếu hai bên càng mất nhiều thời gian để đạt một thỏa thuận dễ dàng như thỏa thuận ‘giai đoạn 1’, thì việc đi đến một thỏa thuận ‘giai đoạn 2’ mang tính đột phá sẽ càng khó hơn nhiều", chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) ở Washington nhận định.