Mỹ phá đường dây “chạy trường” đại học danh giá
Đường dây thu từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD đối với mỗi con em nhà giàu muốn chắc suất vào một trường đại học top đầu
Gần 50 người, bao gồm nhiều diễn viên và giám đốc doanh nghiệp, đã bị cơ quan chức năng Mỹ buộc tội vào ngày 12/3 vì tham gia vào một đường dây 25 triệu USD chuyên "chạy trường" để con em các gia đình giàu có ở nước này được vào học tại các đại học danh giá như Yale và Stanford.
Theo hãng tin Reuters, đây được xem là đường dây "chạy trường" lớn nhất từng bị phát hiện ở Mỹ, được điều hành từ một trường dự bị đặt ở Newport Beach, California. Đường dây này dùng những thủ đoạn như đưa hối lộ cho các huấn luyện viên, thí sinh giả, thậm chí làm giả những bức ảnh để "đánh bóng" thành tích thể thao, giúp con em nhà giàu không đủ năng lực được vào học trường top.
"Cha mẹ của những sinh viên được vào trường danh giá nhờ đường dây này đều là những người giàu có, quyền lực", ông Andrew Lelling, một chưởng lý Mỹ, cho biết tại một cuộc họp báo. "Cứ mỗi một sinh viên được vào trường thông qua gian lận, thì lại có một sinh viên trung thực, học giỏi thực sự bị loại".
William "Rick" Singer, 58 tuổi, ngày 13/3 đã thú nhận việc điều hành đường dây "chạy trường" nói trên thông qua trường dự bị có tên Edge College & Career Network. Đường dây thu từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD đối với mỗi con em nhà giàu muốn chắc suất vào một trường đại học top đầu. Những khoản tiền này núp bóng là tiền đóng góp vào một quỹ từ thiện do Singer đứng đầu.
"Tôi đã dùng tiền để mua hoặc đưa hối lộ để có suất vào trường", Singer cho biết trước tòa ở Los Angeles, thừa nhận các tội danh trục lợi bất chính, rửa tiền và cản trở công lý. "Và việc đó xảy ra khá thường xuyên".
Trong đường dây của Singer có nữ diễn viên Fecility Huffman, người từng xuất hiện trong bộ phim "Desperate Housewives" (Những bà nội trợ kiểu Mỹ), và nữ diễn viên Lori Loughlin, người diễn xuất trong bộ phim sitcom "Full House" của kênh ABC, cùng khoảng 20 bị cáo khác. Trong số những người ra tòa còn có chồng của bà Huffman là ông William H. Macy, cũng là một diễn viên phim truyền hình.
Đây là vụ mới nhất trong loạt vụ bê bối gây chấn động bên ngoài cánh cửa của các trường đại học danh giá của Mỹ, nơi cuộc đua luôn diễn ra khốc liệt hàng năm. Cơ quan công tố ở Boston những năm gần đây đã phanh phui việc nhiều người Trung Quốc gian lận trong các kỳ thi đầu vào. Trường College Board, ngôi trường quản lý các kỳ thi SAT, vào năm 2016 gây xôn xao khi để xảy ra sự cố an ninh làm lộ hàng trăm câu hỏi chuẩn bị cho các bài thi.
Cơ quan công tố đến nay đã xác định được 33 phụ huynh, 13 huấn luyện viên và nhân viên trong đường dây "chạy trường" của Singer.
Trong số những phụ huynh bị lộ tội "chạy trường" cho con em theo đường dây nói trên có Manuel Henriquez, Giám đốc điều hành công ty tài chính Hercules Capital; Gordon Caplan, đồng Chủ tịch công ty luật quốc tế Willkie Farr & Gallagher; Bill McGlashan Jr., một sếp của công ty đầu tư cổ phần tư nhân TPG Capital; và Douglas Hodge, cựu Giám đốc điều hành công ty quản lý đầu tư Pimco.
Những người chủ mưu và phụ huynh trong đường dây "chạy trường" này có thể lĩnh án tù lên tới 20 năm nếu bị kết án.
Hiện chưa có một sinh viên nào bị buộc tội, và nhà chức trách nói có một số em không hay biết mình được vào trường là do gian lận.
Cơ quan công tố nói sẽ để các trường tự quyết định biện pháp xử lý đối sinh viên được vào trường bằng con đường gian lận. Hai trường Đại học Yale và Đại học Nam California (USC) cho biết đang hợp tác với cơ quan điều tra để tìm ra sự thật.