17:47 15/06/2016

Mỹ sắp cử thêm chiến hạm tới châu Á

Bình Minh

Động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, đô đốc Harry Harris (trái) đang trao đổi với một sỹ quan bên cạnh tàu USS Spruance đang neo đậu tại Singapore ngày 22/1/2014 - Ảnh: Reuters.
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, đô đốc Harry Harris (trái) đang trao đổi với một sỹ quan bên cạnh tàu USS Spruance đang neo đậu tại Singapore ngày 22/1/2014 - Ảnh: Reuters.
Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ sẽ cử thêm tàu tới khu vực Đông Á để hoạt động bên ngoài khu vực truyền thống cùng với Hạm đội 7 hiện đang đặt tại Nhật Bản - hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết ngày 14/6. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo Reuters, nhóm Hành động mặt biển Thái Bình Dương của Hạm đội 3 đã được triển khai tới Đông Á hồi tháng 4 năm nay. Nhóm này gồm hai khu trục hạm được trang bị tên lửa hành trình là USS Spruance và USS Momsen.

Trao đổi với hãng tin trên, vị quan chức đề nghị giấu tên nói sẽ có thêm tàu thuộc quân số Hạm đội 3 được triển khai tới khu vực trong tương lai. Ông và một quan chức nữa của Mỹ nói những tàu này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng không cho biết cụ thể.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, nơi có 5.000 tỷ USD hàng hóa thương mại di chuyển qua mỗi năm.

Thời gian gần đây, Trung Quốc giận dữ trước việc mà nước này gọi là các cuộc tuần tra quân sự mang tính chất gây hấn của chiến hạm Mỹ gần một số hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông. Về phần mình, Mỹ nói những cuộc tuần tra này là để bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.

Có căn cứ đặt tại San Diego, California, Hạm đội 3 thường giới hạn hoạt động ở hải phận quốc tế thuộc vùng Đông của Ấn Độ Dương.

Tờ báo Nhật Nikkei Asian Review dẫn lời chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift, ý định của Mỹ về triển khai thêm tàu tới khu vực diễn ra trong “bối cảnh bất ổn và bất bình trong khu vực” - một sự ngầm chỉ đến những hành vi của Trung Quốc.

Ông Swift nói Hải quân Mỹ nên dành tổng cộng 140.000 thủy thủ, 200 tàu và 1.200 máy bay cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Hiện nay, Hạm đội 7 có một nhóm hàng không mẫu hạm, 80 chiến hạm khác và 140 máy bay. Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, trong đó có 4 tàu sân bay.

Giới chức Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ làm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. “Tôi nghĩ, trước khi có cái gọi là ‘tái cân bằng về phía châu Á-Thái Bình Dương của người Mỹ, Biển Đông rất tĩnh lặng và yên bình”, đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters hồi tuần trước.

“Trung Quốc đang đàm phán với các nước láng giềng. Chúng tôi đã có tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Và Philippines cũng đang đàm phán với chúng tôi. Nhưng khi người Mỹ đến với cái gọi là ‘tái cân bằng’, thì mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng”, ông Liu nói. “Họ muốn tìm ra một cái cớ để tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và châu Á-  Thái Bình Dương. Nếu khu vực này quá bình yên, thì họ chẳng có cớ để xuất hiện”.

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định rằng kế hoạch triển khai thêm tàu tới khu vực có vẻ là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm chuyển 60% tài sản hải quân của Mỹ tới châu Á. Kế hoạch này nằm trong chiến lược của ông Obama về tái cân bằng nguồn lực tới châu Á trong bối cảnh sự nổi lên của Trung Quốc.