Mỹ, Trung Quốc nói gì về biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông?
Ông Trump nói Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sẽ “tìm được giải pháp”, trong khi truyền thông Trung Quốc đưa ra cảnh báo
Tổng thống Donald Trump ngày 12/6 nói ông tin chắc Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sẽ "tìm được giải pháp" cho cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đang diễn ra rầm rộ ở Hồng Kông. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng biểu tình sẽ khiến Hồng Kông mất uy tín.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump không đưa ra tín hiệu nào về phản ứng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Hồng Kông.
"Đó là 1 triệu người, một cuộc biểu tình lớn mà tôi từng chứng kiến", ông Trump nói. "Tôi hy vọng là vấn đề sẽ được giải quyết cho cả Trung Quốc và Hồng Kông. Tôi hiểu lý do biểu tình, nhưng tôi tin chắc là họ sẽ tìm được giải pháp".
Trong khi đó, một số nghị sỹ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đang thúc đẩy một dự luật về tăng tiêu chuẩn nhằm xác định liệu Hồng Kông có đủ mức độ tự trị để nhận đãi ngộ đặc biệt của Mỹ về thương mại và kinh tế.
"Cả hai đảng đều đang bất bình với những gì xảy ra ở Hồng Kông. Người biểu tình hòa bình gặp phải bạo lực tồi tệ từ lực lượng an ninh. Điều này không thể chấp nhận được", hạ nghị sỹ Dân chủ James McGovern phát biểu.
Các nhà tổ chức biểu tình Hồng Kông cho biết cuộc biểu tình hôm Chủ nhật có hơn 1 triệu người tham gia, tương đương 1/7 dân số Hồng Kông. Ngày thứ Tư, hàng chục nghìn người biểu tình lại xuống đường, bao vây khu trụ sở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo), kêu gọi xóa bỏ dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục xét xử. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và dùi cui để giải tán đám đông.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại sâu sắc về dự luật dẫn độ của Hồng Kông và cảnh báo rằng việc thông qua dự luật này sẽ phá hỏng địa vị đặc biệt mà Washington dành cho Hồng Kông.
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng nếu Mỹ chấm dứt chế độ đãi ngộ đối với Hồng Kông, thì chính Mỹ sẽ bị thiệt, bởi các doanh nghiệp Mỹ cho đến nay vẫn hưởng lợi từ môi trường kinh doanh thân thiện ở Hồng Kông.
Ngày thứ Tư, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế, tránh để xảy ra bạo lực".
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục có những tin bài chỉ trích biểu tình ở Hồng Kông, cho rằng biểu tình sẽ khiến Hồng Kông mất uy tín và làm suy giảm thượng tôn pháp luật ở vùng lãnh thổ này.
Tờ Trung Quốc nhật báo bản tiếng Anh số ra ngày thứ Năm nói dự luật dẫn độ của Hồng Kông phù hợp với các công ước quốc tế nhưng "phe đối lập và các thế lực nước ngoài đứng sau có vẻ sẵn sàng phản đối dự luật vì mục đích riêng của họ, bất chấp việc này gây tổn hại cho thượng tôn pháp luật, an toàn công cộng và công lý ở Hồng Kông".
"Chính sự coi thường pháp luật sẽ gây tổn hại cho Hồng Kông, chứ không phải là dự luật dẫn độ", bài báo viết.
Tờ Thời báo Hoàn cầu thì đổ lỗi cho "các thế lực đối lập cực đoan" và "các thế lực phương Tây hậu thuẫn họ" đã thổi phồng và chính trị hóa dự luật dẫn độ của Hồng Kông.
"Đùa với chính trị đường phố không kiểm soát là đẩy Hồng Kông quay trở lại với lạc hậu và rối ren", bài báo viết. "Đây không phải là hướng đi khôn ngoan cho Hồng Kông".