16:27 09/07/2014

Mỹ-Trung tìm cách khôi phục niềm tin

Diệp Vũ

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên Mỹ-Trung (S&ED) kéo dài hai ngày đã khởi động hôm 9/7

Ngoại trưởng John Kerry (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng John Kerry (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters.<br>
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc hôm nay (9/7) bắt đầu nhóm họp tại Bắc Kinh, để thảo luận một loạt vấn đề quan trọng từ an ninh mạng tới chính sách tiền tệ. Giới phân tích cho rằng, ưu tiên cấp bách nhất hiện nay của Washington và Bắc Kinh phải là khắc phục sự mất mát niềm tin sâu sắc giữa hai bên.

Theo hãng tin CNBC, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên Mỹ-Trung (S&ED) kéo dài hai ngày đã khởi động hôm nay. Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Bộ Tài chính Jacob Lew dẫn đầu đoàn Mỹ, trong khi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương đại diện cho Trung Quốc.

“Cuộc đối thoại này có tầm quan trọng rất lớn. Các quan chức hai bên sẽ dùng cuộc đối thoại này không chỉ để thảo luận trung thực về các xu hướng và hệ quả trong quan hệ Mỹ-Trung nói chung, mà còn để đánh giá quan điểm, các mối lo ngại, các đề xuất và dự định của đối phương”, chuyên gia cấp cao Kenneth Lieberthal thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution ở Washington, đánh giá.

Sức mạnh quân sự ngày càng lớn và thái độ hung hăng giá tăng của Trung Quốc, đặc biệt trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh trên biển Đông và biển Hoa Đông, đang đặt ra thách thức cho nước Mỹ.

“Đối với nước Mỹ, ngày càng khó để tách riêng quan hệ với Trung Quốc khỏi mối quan hệ với các nước láng giềng của nước này. Khi mà quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước khác xấu đi, điều đó chắc chắn có ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung”, ông Evan Feigenbaum, Phó chủ tịch viện nghiên cứu Paulson Institute của Mỹ, nhận xét.

Đối thoại S&ED được coi là cơ hội tốt nhất để Washington và Bắc Kinh giải quyết mối nghi ngờ lẫn nhau đang ngày càng lớn trước cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi Bắc Kinh đăng cai cuộc họp các nhà lãnh đạo các nước thuộc diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 năm nay - chuyên gia Lieberthal của Brooking Institution nhận xét.

Giới chuyên gia cũng kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ bàn thảo các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế song phương tại S&ED, trong đó có hiệp ước đầu tư song phương Mỹ-Trung (BIT).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/7 nói rằng, nước này và Mỹ cần đẩy nhanh đàm phán về BIT, văn kiện nhằm làm rõ các quy định về đầu tư giữa hai quốc gia, đồng thời loại bỏ một loạt rào cản của hoạt động này. Đến nay, đã có 12 vòng đàm phán BIT diễn ra, với vòng đàm phán gần nhất là vào đầu tháng 3 tại Washington.

Tại đối thoại S&ED vào năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã công bố một bước đột phá trong đàm phán BIT, trong đó Trung Quốc sẽ cung cấp quyền tiếp cận thị trường và các dạng bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài khác tại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, ngoại trừ một số lĩnh vực bị có tên trong danh sách “tiêu cực”.

Mỹ vẫn đang thúc đẩy nhằm đạt được những thỏa thuận như vậy, mở đường cho các doanh nghiệp Mỹ tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc đại lục nơi nhu cầu đang phát triển mạnh mẽ.