16:49 31/12/2009

Năm 2010 CPI sẽ ở mức 7%?

Y Nhung - Mạnh Chung

Sang năm tới, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, CPI ở mức 7% có thành hiện thực?

Năm 2010, lương tối thiểu tăng sẽ làm tăng sức mua của một bộ phận dân cư.
Năm 2010, lương tối thiểu tăng sẽ làm tăng sức mua của một bộ phận dân cư.
Năm 2009, Việt Nam là nước có tốc độ phát triển đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và đã thành công khi khống chế lạm phát ở mức một con số. Sang năm tới, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 7% có thể thành hiện thực?

Đó là câu hỏi đã được đặt ra tại hội thảo “Thị trường, giá cả và lạm phát năm 2009 - dự báo năm 2010”, do Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 31/12.

Lạm phát được kiểm soát

Phát biểu đề dẫn, Phó viện trưởng, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, thị trường giá cả, lạm phát năm 2009 được đặc trưng bởi sự đan xem hòa quyện của các yếu tố mang tính quy luật và cả không ít yếu tố bất thường, vượt ra khỏi những dự tính ban đầu.

Nếu cuối năm 2008, mục tiêu giữ lạm phát dưới 15% đã là lý tưởng cho năm 2009, sau một năm lạm phát xấp xỉ tới 20%, thì đến giữa năm nay chúng ta đã hoàn toàn có thể yên tâm là CPI sẽ dưới 7%. Trên thực tế con số đó là 6,52% so với tháng 12/2008 và bình quân cả năm chỉ tăng 6,88% so với năm trước.

“Có thể nói lạm phát năm 2009 nằm trong dự tính và kiểm soát được lạm phát là một thành công của Việt Nam”, TS Ánh nhìn nhận.

Không chỉ kìm chế tốt mức lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 nước ta vẫn đạt trên 5% và thất nghiệp cũng không tới mức nguy hiểm như dự đoán những tháng đầu năm.

Thêm vào đó, để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nước ta đã thực hiện nới lỏng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh giảm từ 8,5% xuống 7%, bằng 1/2 mức đỉnh của năm 2008 và duy trì liên tục tới cuối tháng 11/2009. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 28,7% và tổng tín dụng cho nền kinh tế tăng 37,7% so với năm trước.

Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cũng được điều chỉnh mạnh trong năm 2009, trước sức ép của thâm hụt cán cân thương mại và cán cân thanh toán tổng thể. Đặc biệt, tổng chi an sinh xã hội đã lên tới gần 22,5 nghìn tỷ đồng

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công cơ bản trên, thị trường giá cả năm qua cũng đã chứng kiến không ít “cú sốc”, từ đột biến của giá vàng, giá USD, mất cân đối thị trường ngoại hối, giá gạo, giá đường… đến chênh lệch quá lớn giữa giá trong nước và giá thế giới đối với ô tô, sữa bột…

CPI  dưới 7% có khả thi?


Từ những thành công này, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả đặt ra câu hỏi: liệu mục tiêu CPI tăng dưới 7% khi mục tiêu tăng GDP là 6,5% trong năm 2010 có được hiện thực hóa.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Năm 2010, theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Kinh tế thế giới phục hồi sẽ làm nhu cho nhu cầu đối với các loại nguyên nhiên liệu, vật liệu tăng dần. Thêm vào đó, sang năm mới, nhiều nước đã quyết định tiếp tục duy trì gói kích thích kinh tế, lượng tiền tiếp tục được bơm thêm ra lưu thông sẽ tạo sức ép khá mạnh đến lạm phát. IMF dự báo mức lạm phát của Việt Nam trong năm tới sẽ là khoảng 7%. Còn bộ phận nghiên cứu chiến lược hàng hóa và kinh tế toàn cầu của Tập đoàn Goldman Sachs thì dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ là 10,8%.

Về tăng trưởng GDP 6,5%, ông Thỏa cho rằng có thể đạt được nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó đáng chú ý là lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại. Đầu tiên là do tác động của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa từ năm trước.

Năm mới, lương tối thiểu cũng sẽ tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng, cộng thêm kế hoạch tiếp tục đẩy nhanh chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo… sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.

Thêm nữa, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ năm 2010, nhiều mặt hàng như điện, than, nước sạch..sẽ tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường. Điều này cũng sẽ làm cho mặt bằng giá tiêu dùng tăng lên.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân mang tính quy luật khách quan như thiên tai, dịch bệnh… có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến cung cầu, tác động đến giá cả thị trường.

Tán đồng với các phân tích trên, nhưng TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương lại có quan điểm: các con số cụ thể về tốc độ tăng trưởng cũng như chỉ số lạm phát không phải là quá quan trọng. Vấn đề là cần giữ chúng ở mức có thể chấp nhận được và đảm bảo cho chính sách điều hành kinh tế vĩ mô có sự linh hoạt nhất định.

Lạc quan hơn, PGS.TS Phan Duy Minh, Chủ nhiệm Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính phát biểu: nhìn chung người dân thường có tâm lý sợ lạm phát. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, lạm phát ở mức hai con số cũng không phải là điều nghiêm trọng. Vì vậy, để ưu tiên cho sự phát triển, CPI của nước ta ở mức 10% trở xuống là có thể chấp nhận.