16:01 24/02/2011

Năm 2010, vốn gián tiếp vào ròng 1 tỷ USD

N.H

Đại diện Bộ Tài chính cho biết vốn gián tiếp năm 2010 chảy ròng vào khoảng 1 tỷ USD, số tài khoản ngoại tăng 50% so với 2009

Thị trường trầm lắng năm 2010 được xem là nguyên nhân khiến việc triển khai các sản phẩm mới chậm lại
Thị trường trầm lắng năm 2010 được xem là nguyên nhân khiến việc triển khai các sản phẩm mới chậm lại
Đây là số liệu chính thức được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết sáng nay, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2011.

Đại diện bộ Tài chính cho biết năm 2010 dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần khoảng 1 tỷ USD. Dòng vốn này đã xoay chiều so với năm 2008 – 2009: năm 2008 rút ra 2 tỷ USD, năm 2009 rút ra 230 triệu USD. Số lượng tài khoản tăng 38% so với năm 2009, trong đó lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt con số 1.300 tài khoản, tăng 50% so với 2009.

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), năm 2010, kinh tế vĩ mô chưa thực sự thuận lợi, thanh khoản của hệ thống tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng còn khó khăn; thâm hụt cán cân thương mại, lạm phát, tỷ giá cao ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên số lượng công ty niêm yết tăng mạnh với 187 công ty mới niêm yết, bằng 30% tổng số công ty niêm yết của cả giai đoạn 2000 - 2010. Đây là một nỗ lực rất lớn của thị trường trong việc tạo hàng hóa cho thị trường chứng khoán. 

Huy động vốn trong năm 2010 tăng cao, trên 116 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với 2009, đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của đất nước và cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên trong số doanh nghiệp niêm yết còn nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ. Chỉ có khoảng gần 50% số công ty niêm yết có quy mô vốn từ 100 tỷ đồng trở lên, còn lại trung bình khoảng 50 tỷ đồng. Công tác quản trị của công ty niêm yết, thực thi các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và công khai, minh bạch có tiến bộ nhưng chưa đạt được theo yêu cầu của thị trường. 

Đại diện cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh giá trị giao dịch thị trường năm 2010 tăng cao, đạt tổng giá trị 620 nghìn tỷ đồng, tương đương 85% mức vốn hóa. Đây là mức khá cao so với thị trường thế giới, Tuy vậy để thị trường có tính thanh khoản cao hơn nữa cần đặt ra nhiều vấn đề về thể chế thị trường, sản phẩm mới, hạ tầng công nghệ…

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch SSC, nhìn nhận nhu cầu sản phẩm mới sau 10 năm thị trường đi vào hoạt động là có thực. Các khung pháp lý đã được nghiên cứu và đệ trình. Tuy nhiên thị trường năm 2010 còn gặp khó khăn nên chưa ban hành được. Việc triển khai các nghiệp vụ mới như giao dịch mua chứng khoán ký quỹ, mua bán trong cùng phiên giao dịch, mở  nhiều tài khoản, cho vay chứng khoán; chuyển đổi quỹ đóng sang quỹ mở vẫn là trọng tâm của kế hoạch phát triển thị trường năm 2011.

Ông Bằng nói, sau khi trao đổi với thành viên thị trường, sẽ có lộ trình cụ thể cho thị trường. Mỗi giải pháp đều có ưu điểm, nhược điểm và tác động đến thị trường; cần cố gắng đưa ra các giải pháp nhằm đạt được lợi ích cận biên, về phương diện thị trường thì lợi ích chung gồm an toàn, hiệu quả, và an toàn tài chính, nhà đầu tư có lợi ích hợp pháp.