11:37 31/12/2016

Năm 2016, giá dầu tăng mạnh nhất kể từ năm 2009

Đan Nguyên

Trong năm nay, Saudi Arabia và các nước đồng minh trong OPEC đã chứng tỏ được vị thế dẫn dắt thị trường dầu mỏ thế giới của mình

Hiện nay, giới đầu tư cũng như chuyên gia trên thị trường năng lượng đang chờ đợi bằng chứng cho thấy OPEC thực sự cắt giảm sản lượng dầu - Ảnh: BBC.
Hiện nay, giới đầu tư cũng như chuyên gia trên thị trường năng lượng đang chờ đợi bằng chứng cho thấy OPEC thực sự cắt giảm sản lượng dầu - Ảnh: BBC.
Trong năm 2016, dù từng có lúc rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ nhưng tính cả năm, giá dầu ghi nhận mức tăng mạnh nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo bài tổng kết về diễn biến giá dầu của Wall Street Journal, năm 2016, Saudi Arabia và các nước đồng minh trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã chứng tỏ được vị thế dẫn dắt thị trường dầu mỏ thế giới của mình. Cam kết giảm sản lượng mà họ đưa ra đã giúp chấm dứt tình trạng sụt giảm liên tiếp của giá dầu trong suốt 2 năm vừa qua.

Những động thái của OPEC đã tác động mạnh đến giá dầu suốt từ tháng 2 khi giá mặt hàng này rớt xuống dưới 30 USD/thùng và khiến toàn bộ thị trường tài chính choáng váng, cho đến tháng 11 khi họ chính thức đưa ra được thỏa thuận giảm sản lượng dầu. Nhà đầu tư trên thị trường dầu hiện dự báo giá dầu sẽ chạm mức 60 USD/thùng trong chưa đầy 1 năm nữa.

“Chúng ta đã nhìn thấy một OPEC biết giữ cam kết. Rõ ràng giá dầu sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới bởi OPEC đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng họ không còn hài lòng với giá dầu 40 USD/thùng nữa”, chuyên gia quản lý quỹ tại Tudor, Pickering, Holt & Co, ông Dan Pickering, nhận xét.

Suốt cả năm 2016, cả giới đầu tư và chuyên gia trên thị trường năng lượng cũng như người tiêu dùng thế giới luôn hoài nghi về tính chắc chắn trong cam kết giảm sản lượng của OPEC. Dù giá dầu nhìn chung trong xu thế tăng nhưng cũng có nhiều thời điểm giá dầu gần như đứng yên quanh ngưỡng 50 USD/thùng bởi nhà đầu tư chưa tin vào OPEC hoặc lo ngại các công ty năng lượng Mỹ sẽ tăng mạnh sản lượng.

Tính cả năm 2016, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trên thị trường Mỹ tăng 45% còn giá dầu Brent tăng 52%. Mức tăng của giá dầu như vậy mạnh nhất từ năm 2009 - năm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016, thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2017 giảm 5 cent tương đương 0,1% xuống 53,72 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 2/2017 trên thị trường London giảm 3 cent tương đương 0,1% xuống 56,82 USD/thùng.

Hai phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016, giá dầu trên các thị trường gần như không biến động bởi nhiều nhà đầu tư đã đi nghỉ lễ, những nhà đầu tư còn lại thường không muốn thực hiện những giao dịch lớn. Cùng lúc đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về không ít các yếu tố bất lợi sẽ tác động đến giá dầu trong năm 2017.

Hiện nay, giới đầu tư cũng như chuyên gia trên thị trường năng lượng đang chờ đợi bằng chứng cho thấy OPEC thực sự cắt giảm sản lượng dầu. Dự kiến ngay cả khi OPEC giữ cam kết, sẽ mất vài tháng dự trữ dầu thế giới mới có thể bắt đầu giảm.

Cùng lúc đó, họ cũng đang đánh giá những tín hiệu thay đổi chính sách từ Tổng thống Mỹ mới đắc cử, ông Donald Trump. Nếu ông Trump nới lỏng bớt các quy định áp với ngành năng lượng, không loại trừ khả năng nguồn cung dầu tại Mỹ trên thị trường thế giới lại tăng.

Nói tóm lại, thị trường năng lượng thế giới năm 2017 sẽ chịu nhiều tác động từ phía Mỹ. Chính người Mỹ “góp công” gây ra tình trạng thừa dầu khi họ cố gắng khai thác dầu đá phiến với chi phí thấp. Họ đã khiến Saudi Arabia và nhiều nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới phải nâng sản lượng lên mức cao kỷ lục để giành khách hàng. Nay khi Saudi Arabia và các nước khác đã nhượng bộ, các công ty năng lượng Mỹ nhiều khả năng hưởng lợi lớn.

Nếu như cách đây đúng 1 năm, không ít người lo ngại về khả năng nhiều công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ phá sản, nay khi giá dầu đã lên mức 50 USD/thùng, rủi ro trên đã được loại bỏ. Tính toán của nhiều chuyên gia cho thấy đa phần các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã cắt giảm chi phí đủ mạnh để có lãi ở mức giá dầu 50 USD/thùng, nay họ có thêm điều kiện để tăng sản lượng nhằm giành khách hàng.

Chuyên gia phân tích tại tổ chức Morningstar dự báo số lượng các giàn khoan dầu tại Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng đến 30% trong 6 tháng tới. Như vậy, “bức tranh” của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ đối lập hoàn toàn so với những gì thế giới chứng kiến trong năm vừa qua khi giá dầu thấp buộc hàng loạt công ty năng lượng Mỹ phải đóng cửa các khu vực khai thác dầu. Số lượng các khu vực khai thác giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Sẽ phải mất ít nhất vài tháng để những giàn khoan dầu mà người Mỹ đưa vào khai thác trở lại thực sự sản xuất ra sản lượng đủ lớn để làm tăng dự trữ. Thỏa thuận giảm sản lượng mà OPEC đưa ra mới đây có thời hạn 6 tháng, sau đó các nước thành viên sẽ cùng xem xét lại. Nếu cùng lúc người Mỹ tăng sản lượng và OPEC cũng bán mạnh dầu ra thị trường, “lực đỡ” cho giá dầu năm 2017 sẽ không còn nữa.