Năm 2023, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2023, các vụ án hình sự, việc xét xử các vụ án bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội…
Thông tin được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập trong Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/11 về công tác của các Tòa án.
ĐẢM BẢO NGHIÊM MINH TRONG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, năm 2023, các Tòa án đã thụ lý 606.209 vụ việc, giải quyết được 540.490 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,16%; cao hơn năm trước 0,26%.
So với năm 2022, số vụ việc đã thụ lý tăng 38.688 vụ (tăng 6,8%); đã giải quyết tăng 35.809 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,89%, thấp hơn năm trước 0,01% và đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 96.084 vụ với 182.717 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 94.161 vụ với 176.040 bị cáo, đạt tỷ lệ 98% về số vụ và 96,35% về số bị cáo (cao hơn năm trước 0,29% về số vụ và 0,21% về số bị cáo), vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 88%).
”Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá.
Cùng với đó, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
Đặc biệt, đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như: Vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao…
Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 468.828 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 408.070 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,04 %, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%).
Đối với các vụ án hành chính, Tòa án đã thụ lý 12.162 vụ; đã giải quyết, xét xử được 9.130 vụ (đạt tỷ lệ 75,07%).
Các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án; tổ chức 1.034 phiên tòa xét xử trực tuyến góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần, giảm bức xúc cho người khởi kiện.
So với năm 2022, mặc dù thụ lý tăng 416 vụ nhưng các Tòa án đã bảo đảm tiến độ, thời hạn giải quyết; tính đến ngày 30/9/2023, không có vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ giải quyết tăng 2,47% so với năm trước...
Mặc dù vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá, hoạt động của các Tòa án trong năm qua còn tồn tại một số hạn chế như: Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao; một số Tòa án giải quyết án còn chậm so với quy định; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm còn chưa cao…
KHOẢN THU HỒI NỢ CHO CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG CHƯA CAO
Bổ sung thêm về công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2023, đối với thi hành án dân sự, tổng số việc phải thi hành là 923.541 việc, có điều kiện thi hành 691.593 việc.
Thi hành xong 575.667 việc, đạt tỉ lệ 83,24%. Tổng số tiền phải thi hành trên 392.000 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 192.712 tỷ đồng. Thi hành xong trên 89.505 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 46,44%.
Đối với khoản thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.963 việc, thu được trên 21.264 tỷ, tăng hơn 9.490 tỷ đồng.
Kết quả thi hành án đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỷ đồng.
Cùng với đó, đã thi hành xong 61.262 việc, thu được số tiền trên 3.906 tỷ đồng của người phải thi hành án đang là phạm nhân tại các trại giam thuộc Bộ Công an…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá, số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có chiều hướng tăng...
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan thi hành án dân sự; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định.
Đồng thời, thụ lý yêu cầu phân chia tài sản chung của đương sự trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thi hành án tử hình, thi hành án tại cộng đồng.
Bộ trưởng Tư pháp cũng kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án.