09:50 22/12/2008

Năm “ảm đạm” của trái phiếu doanh nghiệp

Thanh Hải

Thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua thời kỳ “ảm đạm” trong năm 2008

Nhiều nhà đầu tư còn cho rằng trái phiếu doanh nghiệp không thực sự hấp dẫn với họ, lãi suất trái phiếu cũng chưa được xây dựng đúng tiêu chuẩn - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhiều nhà đầu tư còn cho rằng trái phiếu doanh nghiệp không thực sự hấp dẫn với họ, lãi suất trái phiếu cũng chưa được xây dựng đúng tiêu chuẩn - Ảnh: Việt Tuấn.
Được nhận định có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cùng với sự đi xuống của thị trường chứng khoán, trong năm 2008 thị trường trái phiếu - đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp - cũng đang trải qua thời kỳ “ảm đạm”.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 10/2008, tổng số huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 52% kế hoạch, trong đó phát hành thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt 42% kế hoạch và phát hành qua Ngân hàng phát triển Việt Nam đạt 82% kế hoạch.

Sự “ảm đạm” đó cũng đã bao trùm lên trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2008 ngoại trừ Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) phát hành một đợt trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư thành công, còn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác chưa tổ chức phát hành được đợt nào.
 
Cũng theo Bộ Tài chính, đến thời điểm cuối năm 2008, mới chỉ có Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai các thủ tục cần thiết để huy động vốn cho các dự án đầu tư thông qua phát hành trái phiếu.

Ông Lê Thành Hưng, Tổng giám đốc CNAV Investment Counsel, cho rằng sự ảm đạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm qua xuất phát bởi một số nguyên nhân. Một trong số đó là do chính nhu cầu của doanh nghiệp, tình trạng vay vốn tín dụng đang rất phổ biến ở Việt Nam cho nên khi phát hành trái phiếu thường e ngại thủ tục phát hành và công bố thông tin ra công chúng.

Không những vậy, các nhà đầu tư còn cho rằng trái phiếu doanh nghiệp không thực sự hấp dẫn với họ, lãi suất trái phiếu cũng chưa được xây dựng đúng tiêu chuẩn.

Hiện nay, trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam thường cố định lãi suất coupon trong năm đầu và thả nổi lãi suất trong các năm sau bằng cách lấy bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của một vài ngân hàng lớn và cộng thêm một biên độ nhất định.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, điều này sẽ không phản ánh đầy đủ các rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp, điều đó đã khiến nhà đầu tư không thực sự quan tâm.

Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Phòng kinh doanh Vốn và Thị trường Tiền tệ của HSBC Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu cũng khá ngần ngại khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp do tính thanh khoản thấp và không thể repo với Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thường chờ đến lúc cần tiền mới bắt đầu tiến hành nghiên cứu phát hành trái phiếu và chuẩn bị giấy tờ phát hành. Tuy nhiên, khi sẵn sàng phát hành được trái phiếu thì thị trường đã biến động theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp phát hành.

Bên cạnh đó, cấu trúc sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp còn nghèo nàn về kỳ hạn và các loại lãi suất, trái phiếu chuyển đổi thu hút nhà đầu tư nhưng cấu trúc không minh bạch nên gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Minh chứng cho điều đó, ông Hưng đưa ra ví dụ trong trường hợp trái phiếu chuyển đổi của Vietcombank đã không có giá chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi và thời hạn chuyển đổi hay trái phiếu chuyển đổi của SSI đã không có điều khoản chống phát hành thêm cổ phiếu làm loãng giá trị trái phiếu chuyển đổi.

Một số trái phiếu chuyển đổi khác còn gắn điều kiện thanh toán lãi với khả năng lợi nhuận trong năm tài chính của doanh nghiệp, có doanh nghiệp còn lấy tài sản sẽ hình thành trong tương lai từ nguồn phát hành trái phiếu để làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu sắp phát hành hay các doanh nghiệp đối xử trái phiếu cũng giống như cổ phiếu. Điều đó đã khiến nhà đầu tư ngày càng ngại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Một số quan điểm cho rằng, dù lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có hấp dẫn đi chăng nữa thì các nhà đầu tư vẫn ngại nếu tính thanh khoản kém. Vì vậy, ông Hưng cho rằng để trái phiếu doanh nghiệp phát triển cần phải có các tổ chức tài chính trung gian làm nhà tạo lập thị trường cho trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, giao dịch trái phiếu thường theo khối lượng lớn và giữa các tổ chức, do vậy cũng cần phải hình thành các cơ cấu trung gian để tăng thanh khoản đầu tư trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân như lập các quỹ đầu tư trái phiếu dạng mở, tạo các sản phẩm phái sinh trên trái phiếu...

Còn ông Hải cho rằng, cần phải có các điều kiện cần và đủ như: tạo thanh khoản trên thị trường thứ cấp cho trái phiếu Chính phủ, qua đó có thể tạo một đường cong lãi suất chuẩn cho trái phiếu doanh nghiệp; định mức tín nhiệm đối với các doanh nghiệp lớn.

Việc đạt được định mức tín nhiệm tốt sẽ góp phần nâng uy tín cho doanh nghiệp và giúp tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi xem xét quyết định đầu tư.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa được niêm yết và việc mua bán trái phiếu diễn ra khá tốn kém và mất thời gian. Vì vậy, cần xây dựng một trung tâm lưu ký các trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết để tạo thuận lợi cho việc mua bán lại.