Nam Long: 9 tháng lợi nhuận giảm 35%, kế hoạch cả năm 956 tỷ có khả thi?
Lãi ròng bất ngờ giảm mạnh trong quý 3 khiến lũy kế 9 tháng chỉ đạt 412 tỷ đồng
Báo cáo tài chính quý 3 hợp nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý 3 sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 389 tỷ đồng, giảm 70,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 177,8 tỷ đồng, giảm 68,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 146,5 tỷ đồng, giảm 65% so với quý 3/2018.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 1.325 tỷ đồng, giảm 51,7%; lợi nhuận trước thuế 505 tỷ đồng, giảm 46,9%; lợi nhuận sau thuế 447 tỷ đồng, giảm 40,2%. lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ đạt 412 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Trong phần giải trình của mình, Nam Long cho biết, doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng giảm gần 52% so với cùng kỳ năm trước do các dự án mới như Novia, Waterpoint, Paragon Đại Phước… đang trong quá trình xây dựng. Các dự án cũ như Valora Island, Kikyo Flora,… đã dần hoàn tất tiến độ giao nhà trong nửa đầu năm 2019.
Doanh thu trong 9 tháng đầu năm phần lớn được đóng góp từ bàn giao căn hộ và biệt thự với tổng số tiền là 919 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 69% và doanh thu dịch vụ tổng thầu, xây dựng là 312 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24%.
Kết quả kinh doanh 9 tháng 2019 giảm 35%, giảm thấp hơn mức giảm của doanh thu thuần một phần do trong kỳ có sự đóng góp từ việc mua công ty Việt Thiên Lâm.
Câu hỏi đặt ra rằng, liệu Nam Long có là ngoại lệ trước cú sốc pháp lý của thị trường bất động sản? Và kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 956 tỷ đồng mà Nam Long đã đề ra hồi đầu năm liệu có khả thi?
Đại diện của Nam Long cho biết, 9 tháng đầu 2019, Nam Long đã bán khoảng 1.200 sản phẩm và nếu so với kế hoạch 9 tháng đề ra thì lãi ròng thực hiện đã vượt 10%. Điểm rơi doanh thu và lợi nhuận của Nam Long trong năm nay sẽ rơi vào quý 4 đến từ các dự án Mizuki, Novia và dự án Parangon Đại Phước... Trong quý 4, Nam Long cũng sẽ đẩy mạnh bán hàng dự án Akari và Waterpoint (Southgate).
Theo quy định các doanh nghiệp bất động sản chỉ được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi đã bàn giao sản phẩm cho khách hàng.
Bảng cân đối kế toán cho thấy, tại ngày 30/09/2019, tổng tài sản của Nam Long đạt 10.311tỷ đồng, tăng thêm hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là hàng tồn kho nhờ giá trị đầu tư 1.703 tỷ đồng vào dự án Paragon Đại Phước. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền hơn 1.570 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, phần lớn nguồn vốn tập trung ở vốn chủ sở hữu, người mua trả tiền trước ngắn hạn và doanh thu chưa thực hiện.
Cuối quý 3/2019 doanh thu chưa thực hiện 772,6 tỷ đồng là phần giá trị của khoản lợi nhuận mà Nam Long nhận được việc chuyển nhượng một phần dự án Nguyên Sơn cho Công ty Mizuki, Southgate ttheo tỷ lệ sở hữu của Nam Long trong liên doanh liên kết này; và khoản người mua trả tiền trước ngắn 1.165 tỷ đồng với 1.118 tỷ đồng là khoản tiền ứng trước của khách hàng mua căn hộ, nhà phố, biệt thự và đất nhưng chưa nhận bàn giao tại ngày 30/09/2019.
Trong kỳ dư nợ vay ngắn và dài hạn giảm nhẹ, các khoản vay có lãi suất vay thấp, chỉ quanh 5,3%/năm đến 7,5%/năm; cao nhất là 9,3% áp dụng cho khoản vay hơn 14 tỷ đồng của ngân hàng VCB được bảo đảm bằng hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn của Nam Long.
Với doanh thu "dự trữ" gần 2.000 tỷ đồng, cùng với quỹ đất phát triển dự án lớn như Paragon Đại Phước, Waterpoint, Hoàng Nam (Akari)… đã có pháp lý đầy đủ, Nam Long có thể là trường hợp ngoại lệ, vượt qua được những thách thức pháp lý mà thị trường bất động sản đang gặp phải.