Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, hiểu biết và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là xu hướng cần thiết và tất yếu, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp...
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 ngành công thương của Bộ Công Thương cho thấy: Việt Nam đã đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng. Ngoài ra, cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu rất phức tạp.
DOANH NGHIỆP CHƯA CHỦ ĐỘNG ĐỂ ỨNG PHÓ
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, những năm qua Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với những quốc gia thuộc khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác riêng lẻ như: Việt Nam - Nhật Bản; Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN, hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những thách thức, hạn chế không nhỏ đối với doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại các hoạt động tạo sự kiềm chế trong chính trị, kinh tế thương mại và các hoạt động này có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến. Một số nước đã có xu hướng chuyển sang bảo hộ và hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí là bảo hộ quá mức cần thiết. Trong đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã điều tra 138/256 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines… Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan đã điều tra tới 48 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam. Tại châu Đại Dương, Australia cũng đã điều tra 18 vụ việc với Việt Nam.
Dù phải đối mặt với nhiều vụ việc bị áp thuế phòng vệ thương mại, nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Kết quả khảo sát năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy: có 36% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ; 17% doanh nghiệp tìm hiểu kỹ và là bên liên quan; 36% doanh nghiệp có nghe nhưng không biết sâu và có 11% doanh nghiệp hầu như không biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, khi một doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thì cả một ngành hàng của Việt Nam hay hàng hóa từ một địa phương của Việt Nam sẽ cùng bị áp dụng mức thuế cao. Do đó, sự phối hợp và chủ động giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính doanh nghiệp đó mà còn là trách nhiệm chung với cộng đồng doanh nghiệp.
“Việc tạo năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp của Việt Nam để chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất hàng Việt Nam xuất khẩu”, ông Toàn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nâng cao nhận thức, kỹ năng để kịp thời ứng phó khi phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại. Mặt khác, doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước và theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương, chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh.
CỦNG CỐ THỂ CHẾ VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
Bộ Công Thương nhận định các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế, đồng thời hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Nhiều sản phẩm nước ngoài trên thị trường Việt Nam có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho các ngành sản xuất nội địa. Vì vậy, thời gian qua Việt Nam đã sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như một phương thức hỗ trợ doanh nghiệp nội địa ứng phó với sự cạnh tranh tăng cao của các mặt hàng nhập khẩu.
Tính đến cuối tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc liên quan tới công tác phòng vệ thương mại, đồng thời áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, cụ thể: tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Hiện tại, có 4 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 1 biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn) và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió.
Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội và thép phủ màu để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 5 năm nữa. Dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ có kết quả rà soát của 2 vụ việc này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đối với ngành sản xuất thép đã diễn ra. Theo đó, ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc; đồng thời, ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam