Nâng tầm giá trị cà phê Sơn La - hương vị núi rừng Tây Bắc
Hiện tỉnh Sơn La có hơn 20.000 ha trồng cà phê Arabica, chiếm 41,2% tổng diện tích cà phê Arabica trên cả nước, trong đó có gần 18.000ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương...
Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề: "Arabica, Cà phê Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc" chính thức khai mạc vào tối 20/10, tại thành phố Sơn La.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành đến dự.
Đây là sự kiện nhằm nâng tầm giá trị cà phê Sơn La, gắn với nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số…
TÔN VINH CÀ PHÊ SƠN LA
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhận dịnh, Lễ hội được tổ chức là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Arabica. Đồng thời, tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê; góp phần phát triển vùng trồng cà phê Arabica chất lượng cao, bền vững, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước.
Lễ hội cũng nhằm thực hiện mục tiêu liên kết các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; đưa tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú của Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất, Tỉnh Sơn La mong muốn giới thiệu, quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản phẩm Cà phê Arabica Sơn La tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ cà phê, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm Cà phê Arabica nói riêng; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Đông, đến năm 2023, tỉnh Sơn La đã có hơn 20.000ha trồng cà phê Arabica, trở thành tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước, chiếm 41,2% tổng diện tích cả nước. Trong đó có gần 18.000ha cà phê được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi (giá trị thu từ bán sản phẩm quả cà phê tươi ước đạt trên 2.045 tỷ đồng).
Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện, sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La.
GIÚP NGÀNH HÀNG CÀ PHÊ TIẾP CẬN “KINH TẾ TRẢI NGHIỆM”
Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam. Sự kiện hôm nay, ghi dấu hành trình 70 năm Cà phê Sơn La, từ loại cây cải thiện sinh kế, đến thương hiệu đặc sản, vươn ra thế giới, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Hướng tới dấu mốc tiếp theo trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến câu chuyện hợp tác, liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị bền vững ngành hàng Cà phê Sơn La. Hợp tác giữa bà con nông dân với nhau, liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, giúp tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào, đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng, gắn kết với nhu cầu đa dạng của thị trường.
Hợp tác, liên kết sẽ giúp ngành hàng cà phê Sơn La tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương; chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đáng chú ý gần đây, có tiêu chuẩn EUDR của châu Âu quy định về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng, vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho Cà phê Sơn La nói riêng và ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung.
“Lễ hội Cà phê Sơn La là dịp để gặp gỡ, trao đổi tiếp tục hiện thực hóa về sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê của cả nước, cùng nhau gửi gắm một thông điệp với thế giới: Nghĩ đến cà phê là nghĩ đến Việt Nam, thưởng thức cà phê Sơn La là cảm nhận hương vị núi rừng Tây Bắc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước khi Lễ hội chính thức diễn ra, chúng tôi đã có mặt tại Sơn La và chứng kiến niềm hân hoan chuẩn bị chào đón lễ hội. Tại các vườn trồng cà phê ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, những chùm quả cà phê đã chín đỏ lúc lỉu trên cành. Người dân đang tất bật chăm sóc, cắt tỉa cây cà phê, sửa sang đường đi lối lại để phục vụ hội thi cũng như khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ cho biết cây cà phê đã phát triển tại địa phương hơn 30 năm nay. Đây là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều bà con xoá đói giảm nghèo.
"Qua lễ hội, địa phương cũng mong muốn sản phẩm cà phê sẽ được quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế. Từ đó, nâng cao giá trị của cây cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con và phát triển cây cà phê bền vững trong thời gian tới", bà Bó chia sẻ.
Ông Vương Văn Hải - Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La thông tin, Sơn La là một trong những tỉnh sản xuất cà phê chè lớn trong nước. Đặc biệt, Sơn La đang tập trung phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, cà phê có chứng chỉ. Lễ hội cà phê còn là dịp để quảng bá cho bạn bè trong nước và thế giới biết đến cà phê Sơn La, cũng như văn hoá, con người Sơn La.
Nhân tháng cao điểm vì người nghèo năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Công tác đã vận động, quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm được 100 căn nhà để hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tại lễ hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trao tặng 100 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La.