NCB bứt tốc trong cuộc đua ngân hàng số
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vừa qua, ban lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB) cho biết, một trong những mục tiêu lớn của ngân hàng trong năm 2021 và các năm tiếp theo là thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu...
Kế hoạch tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng của NCB vừa cải thiện tiềm lực tài chính, vừa tạo động lực mạnh để ngân hàng này tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới.
TẬP TRUNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vừa qua, ban lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB) cho biết, một trong những mục tiêu lớn của ngân hàng trong năm 2021 và các năm tiếp theo là thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Ngân hàng đã hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để triển khai kế hoạch này.
“Nếu không chuyển đổi số nhanh chóng, thì khó có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác trên nhiều mảng hoạt động, từ thanh toán, cho vay tới bán bảo hiểm, ngân hàng đầu tư…”, lãnh đạo NCB khẳng định.
Thực tế, những năm gần đây, ngân hàng này liên tục đầu tư thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số với mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng một cách vượt trội, đưa khách hàng trở thành đối tượng được hưởng lợi trong kế hoạch chuyển đổi số.
Theo số liệu năm 2020, các dịch vụ ngân hàng của NCB cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán (từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán,...). Ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,... giúp đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày.
“Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, kế hoạch chuyển đổi số của NCB vẫn tiếp tục đẩy mạnh và sẽ có nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho khách hàng”, lãnh đạo NCB chia sẻ.
ĐẢM BẢO NGUỒN LỰC
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, trong khoảng 4 năm gần đây, tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng diễn ra tương đối nhanh. Điều này thể hiện qua các chỉ số quan trọng như giao dịch ngân hàng qua điện thoại di động tăng trưởng mạnh trong năm 2020; thanh toán điện tử cũng diễn ra nhanh, tăng trưởng 25-30%, cao gấp rưỡi so với bình quân của khu vực… Với bối cảnh đó, cuộc “chạy đua” chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc đối với ngành ngân hàng trong chặng đường phát triển tới.
Theo đó, câu chuyện tăng vốn để “tự vũ trang” trong cuộc đua là chủ đề nóng và không phải nhà băng nào cũng có điều kiện thuận lợi để tiến hành.
Trong khi đó, năm 2021, NCB sẽ tăng vốn khoảng 3.000 tỷ đồng đưa vốn lên trên 7.000 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi để tiếp tục tăng vốn lên trên 10.000 tỷ đồng.
“Việc tăng vốn đã được lên kế hoạch, Hội đồng quản trị đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước và đã ký được một số cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore và Nhật Bản”, lãnh đạo NCB chia sẻ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, các nhà đầu tư ngoại khó khăn trong việc sang Việt Nam nên kế hoạch đầu tư chưa thực hiện được. Trước mắt, NCB có kế hoạch tìm các nhà đầu tư chiến lược trong nước để tìm thêm đối tác và nguồn lực giúp Ngân hàng lọt vào nhóm nhà băng có quy mô vốn ở mức trên trung bình trong nhóm các ngân hàng hiện nay.
Cùng với việc tăng vốn, từ năm 2021, NCB sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới nhờ việc tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là khi có sự “hậu thuẫn” từ cổ đông và hệ thống nhân sự được đầu tư bài bản thời gian qua.
NCB sẽ tận dụng tốt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong đó có các yếu tố như sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt dịch bệnh, sự điều hành tốt của Ngân hàng Nhà nước với thị trường tiền tệ, và bản thân nội lực của Ngân hàng. Đây là cơ sở NCB tin rằng sẽ phát triển với tốc độ cao hơn mặt bằng chung của thị trường thời gian tới.