09:59 08/03/2021

NCB giải bài toán tăng vốn như thế nào?

Minh Hằng

NCB - mã chứng khoán NVB, sẽ tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng với nguồn vốn huy động từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng

NCB xây dựng được hệ thống "khách hàng trọn đời" thông qua việc không ngừng số hóa các sản phẩm, dịch vụ.
NCB xây dựng được hệ thống "khách hàng trọn đời" thông qua việc không ngừng số hóa các sản phẩm, dịch vụ.

Năm 2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB - mã chứng khoán NVB) sẽ tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng với nguồn vốn huy động từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng. Dựa vào đâu Ngân hàng tự tin vào khả năng hoàn thành mục tiêu này?

SỬ DỤNG NGUỒN VỐN MỚI HIỆU QUẢ

Theo Nghị quyết đã được đại hội cổ đông NCB thông qua, ngay trong quý 1 - 2/2021, NCB sẽ chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NCB cũng dự kiến phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2021 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Với giá phát hành bằng mệnh giá, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng.

Thực tế, không phải gần đây, NCB mới có động thái quyết liệt trong việc gia tăng năng lực tài chính. Trước đó, nhà băng này đã tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tham vọng thu hút nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số, mở rộng mạng lưới, cũng như tăng cường quản trị rủi ro.

Kết quả hoạt động năm 2020 đã phần nào phản ánh việc NCB đang sử dụng nguồn vốn mới một cách hiệu quả. Cụ thể, báo cáo tài chính quý 4/2020 của NCB cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2020 tăng gấp 2,2 lần năm trước, đạt hơn 850 tỷ đồng.

Tính tới ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 11% so với đầu năm, đạt gần 90.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ xấu tính đến cuối năm đã giảm 17% so với đầu năm, chỉ còn gần 609 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm mạnh nhất, lần lượt là 57% và 34%. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay chỉ còn 1,51%.

NCB huy động 4.500 tỷ đồng tăng vốn, dựa vào đâu? - Ảnh 1.

Tính đến ngày 5/3, mã NVB đã tăng hơn 73%.

Với những cải thiện trong hoạt động kinh doanh, cổ phiếu NVB cũng đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Trong 3 tháng qua, giá cổ phiếu NVB đã tăng hơn 73% (tính tới kết thúc phiên giao dịch ngày 3/3/2021), bất chấp việc thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái giảm mạnh vào thời điểm cuối tháng 01/2021. Hiện tại, cổ phiếu NVB đang giao dịch quanh vùng giá 15.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với giá chào bán cho cổ đông hiện hữu.

CỔ ĐÔNG SẴN LÒNG ĐI ĐƯỜNG DÀI

Trong quá trình hoạt động 26 năm, một điểm nhấn của NCB trên thị trường ngân hàng đó là sự đồng hành của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn. Niềm tin này được xây dựng từ việc chứng kiến những chuyển đổi tích cực của Ngân hàng qua thời gian.

Một điểm nhấn trong quá trình hoạt động của NCB là xây dựng được hệ thống "khách hàng trọn đời" thông qua việc không ngừng số hóa các sản phẩm, dịch vụ, từ đó gia tăng trải nghiệm và tạo sự gắn kết với khách hàng.

Theo số liệu từ NCB, 95% các giao dịch được thực hiện qua các kênh trực tuyến như: NCB izi Mobile, Internet Banking, ATM, thẻ…; giao dịch tại quầy hiện chỉ ở mức 5%. Con số này thể hiện nhà băng đã đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ, thanh toán đa dạng của khách hàng.

Trong năm 2020, NCB tiếp tục ra mắt phiên bản mới của ứng dụng ngân hàng di động NCB iziMobile và áp dụng eKYC - định danh khách hàng điện tử vào giao dịch nhằm đơn giản hóa quy trình xác minh khách hàng, giúp khách hàng giảm bớt thời gian, công sức đến quầy giao dịch trực tiếp. NCB cũng là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện dự án chuyển đổi hệ thống thẻ từ sang thẻ chíp theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, NCB đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho hơn 1.000 khách hàng như miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng... Động thái này được đánh giá sẽ tạo nên chất keo gắn kết bền chặt, khiến tệp "khách hàng trọn đời" ngày càng mở rộng.

Kết quả kinh doanh cải thiện, tốc độ xử lý nợ xấu nhanh chóng và tệp khách hàng tăng trưởng bền vững…, cổ đông NCB có những điểm tựa chắc chắn để tiếp tục đặt niềm tin vào sự phát triển của nhà băng này trong thời gian tới, nhất là khi tiềm lực tài chính được nâng cấp.