10:02 12/09/2008

Nga “chảy máu” vốn đầu tư nước ngoài

Trung Việt

Nga đang phải đối mặt với tình trạng không mong muốn là các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau rút vốn khỏi nước này

Theo ước tính của các nhà phân tích, kể từ khi cuộc chiến nổ ra ở Gruzia từ ngày 8/8 đến nay, khoảng 19 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã được rút ra khỏi Nga.
Theo ước tính của các nhà phân tích, kể từ khi cuộc chiến nổ ra ở Gruzia từ ngày 8/8 đến nay, khoảng 19 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã được rút ra khỏi Nga.
Giành thắng lợi và chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tại Gruzia vừa qua, song theo tờ Người bảo vệ Anh, nước Nga đang phải đối mặt với tình trạng không mong muốn là các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau rút vốn khỏi Nga.

Theo ước tính của các nhà phân tích, kể từ khi cuộc chiến nổ ra ở Gruzia từ ngày 8/8 đến nay, khoảng 19 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã được rút ra khỏi Nga, do lo ngại tình hình an ninh căng thẳng và cuộc đối đầu Nga với Mỹ và phương Tây leo thang.

V. Osakovski, một chuyên gia của Cty Uni Credit tại Moscow nhận định rằng, cuộc xung đột Gruzia là động lực chính dẫn đến việc các nhà đầu tư rút vốn và dự đoán khoảng 20-25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị rút khỏi Nga. Đây là đợt vốn đầu tư nước ngoài “chảy” khỏi Nga nhanh nhất, kể từ cuộc khủng hoảng đồng Rúp năm 1998.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Nga không chỉ xuất phát từ cuộc chiến Gruzia, mà đã bắt đầu từ tháng 7 năm nay. Khi đó, Thủ tướng Nga Putin tiến hành cuộc “tiến công” bất thường vào Công ty khai thác mỏ và kim loại Mechel của Nga, làm giá cổ phiếu của công ty này giảm 38% trên thị trường New York và Mechel thua lỗ tới 6 tỷ USD chỉ trong một ngày. Vụ việc này đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Nga hoang mang.

Việc các nhà đầu tư rút vốn có thể là “chất xúc tác” khiến kinh tế Nga suy thoái nhanh hơn, sau 7 năm liền tăng trưởng mạnh. Nhất là trong bối cảnh tại Nga đang xuất hiện một loạt khó khăn kinh tế khác như giá dầu giảm mạnh trên thị trường quốc tế và lạm phát ở Nga đã tăng lên mức 9,7% từ đầu năm nay. Thị trường chứng khoán Nga cũng đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua.
Ngân hàng trung ương Nga cho biết, dự trữ ngoại tệ của Nga trong tuần sau khi nổ ra cuộc chiến Gruzia cũng đã giảm hơn 16,4 tỷ USD-là một trong những tuần giảm nhiều nhất. G. Melikyan, Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga cho rằng, những hiện tượng kể trên là do tình hình chính trị gây ra.

Việc vốn nước ngoài tháo chạy cùng những khó khăn kinh tế khác đã gây thêm áp lực với Chính phủ Nga, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo nước này đang bị giới kinh doanh hối thúc phải có biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã bắt đầu tác động tiêu cực đến kinh tế Nga.

Trong khi đó, cuộc đối đầu Nga-Mỹ và phương Tây chung quanh vấn đề Gruzia vẫn hết sức phức tạp, chưa thể khiến các nhà đầu tư yên tâm vào thị trường Nga. Bộ Ngoại giao Gruzia ngày 10/9 tiếp tục cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã được hai bên ký kết ngày 12/8.  Mỹ vẫn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ Gruzia sau cuộc xung đột vũ trang với Nga, cũng như ủng hộ nước này gia nhập NATO.

Phát biểu ý kiến trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Eric Edelman cho biết, Lầu Năm Góc sẽ phái một nhóm đánh giá tới Gruzia vào cuối tuần này để có thể cân nhắc kỹ những nhu cầu của nước này.

Sau khi đánh giá, Mỹ sẽ xem xét để đưa ra hình thức hỗ trợ tái thiết nền kinh tế, hạ tầng cơ sở và quân đội Gruzia. Trước đó, Chính quyền Mỹ đã cam kết viện trợ 1 tỷ USD giúp Gruzia khôi phục kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng về lâu dài.

Về phía Nga, nước này kiên quyết phản đối NATO kết nạp Gruzia. Bộ trưởng Ngoại giao nước này-Sergey Lavrov ngày 10/9 đã lên tiếng cảnh báo về hiểm họa của việc NATO kết nạp Gruzia. Ông cho rằng việc kết nạp Gruzia vào NATO đồng nghĩa với sự ủng hộ kẻ xâm lược. Nga còn kêu gọi giới chức các nước NATO ngừng hẳn các chuyến thăm Gruzia cũng như áp đặt cấm vận vũ khí đối với nước này.

Ông Sergei Lavrov cũng đã lên tiếng bác bỏ khả năng cho phép các quan sát viên của Liên minh châu Âu (EU) được tiếp cận hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, thuộc Gruzia theo một số điểm bổ sung của kế hoạch hòa bình vừa được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhất trí...

Tuy nhiên, bất chấp xung đột Nga-Mỹ leo thang và những bất lợi kể trên, đa số giới phân tích vẫn nhận định rằng, với tiềm lực dựa trên nền tảng là ngành dầu khí hùng mạnh như hiện nay, kinh tế Nga sẽ sớm vượt qua các khó khăn và phục hồi đà tăng trưởng, bất chấp việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.

Một khi tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan, Nga sẽ vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhưng nước Nga cũng phải mất một thời gian dài mới có thể lấy lại uy tín với các nhà đầu tư nước ngoài.