10:22 08/03/2016

Ngân hàng “bảo thủ” nhất đã tăng lãi suất

Hoàng Vũ

Thị trường tiếp tục ghi nhận hướng lãi suất huy động VND tăng lên trên biểu niêm yết các ngân hàng

Xu hướng tăng lãi suất huy động VND đã thể hiện trong năm 2015 và rõ nét hơn đầu 2016.<br>
Xu hướng tăng lãi suất huy động VND đã thể hiện trong năm 2015 và rõ nét hơn đầu 2016.<br>
Hôm nay (8/3), một số ngân hàng thương mại công bố biểu lãi suất huy động mới. Lãi suất tiếp tục có thay đổi theo hướng tăng lên. Trong xu hướng này, những thành viên “bảo thủ” nhất cũng đã nhập cuộc.

Đầu giờ sáng nay, trước cửa chi nhánh Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), mức lãi suất huy động VND cao nhất đã có thay đổi.

Tại các kỳ hạn dài, lãi suất của SHB đã tăng lên 7,3%/năm thay cho mức cao nhất 7,1%/năm trước đó.

SHB là một trong những ngân hàng “bảo thủ” nhất, khi áp lãi suất huy động VND khá mềm trong thời gian qua, cũng như chưa thực sự nhập cuộc cạnh tranh với các mức từ 7,5-7,7%/năm hiện đã phổ biến trong khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Lãi suất khá mềm, nhưng trong năm qua SHB lại là một trong những ngân hàng thương mại có tốc độ huy động vốn cao nhất trong hệ thống, với tăng trưởng huy động lên tới 20,7% trong khi nhiều thành viên khác phổ biến chỉ từ 10-15%, thậm chí không ít trường hợp bị âm.

Mặt khác, đây cũng là ngân hàng thương mại có tỷ lệ cho vay so với huy động vốn (LDR) ở mức dễ chịu, chỉ 72,3% vào cuối 2015, trong khi bình quân khối ngân hàng thương mại cổ phần đến cuối năm qua ở mức gần 80%. Áp lực tăng lãi suất ở chỉ báo này với SHB không thực sự lớn.

“Bảo thủ” nhất trong hệ thống thời gian qua là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đây là thành viên gần như đứng ngoài hoàn toàn các đợt tăng lãi suất huy động VND trên thị trường trong năm 2015.

Cho đến nay Vietcombank vẫn là ngân hàng thương mại áp lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống.

Điểm đáng chú ý, dù áp lãi suất thấp nhất nhưng năm qua tăng trưởng huy động vốn của “ông lớn” này đạt khá cao với 18,3%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân toàn ngành là 13%. Thêm nữa, tỷ trọng nguồn vốn chi phí thấp của Vietcombank đã tăng lên khoảng 29%, giúp giảm bình quân giá vốn.

Trong khi đó, so với các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như trong hệ thống nói chung, tỷ lệ sử dụng vốn của Vietcombank lại khá thấp. LDR cuối 2015 của Vietcombank chỉ ở mức 77,08%, trong khi bình quân khối ngân hàng thương mại nhà nước ở khoảng 98%.

Với tỷ lệ LDR nói trên, nâng cao hơn nữa hay đẩy mạnh cho vay hơn nữa trong năm 2016 là điều kiện tại Vietcombank, mà không chịu nhiều áp lực tăng mạnh lãi suất huy động.

Dù vậy, ở biểu lãi suất cập nhật gần đây, mức cao nhất vẫn giữ nguyên 6,2%/năm tại các kỳ hạn dài 24-60 tháng, nhưng tại các kỳ hạn ngắn Vietcombank cũng đã nhập cuộc xu hướng tăng.

Cụ thể, tại các kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng, lãi suất huy động VND của ngân hàng này cũng đã tăng thêm 0,3-0,5%/năm so với cuối 2015. Tuy nhiên, tại các kỳ hạn này Vietcombank vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức trần 5,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.