10:31 08/09/2008

Ngân hàng Chính sách trước nguy cơ thiếu vốn

Nguyễn Hoài

Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho biết, năm 2009, nguy cơ thiếu vốn của họ sẽ rất gay gắt

Tính đến 30/6/2008, tổng dư nợ của VBSP đạt 42.200 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2008, tổng dư nợ của VBSP đạt 42.200 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) cho biết, hiện nay VBSP đã có kế hoạch cân đối đủ 16.000 tỷ đồng nhu cầu vốn của năm 2008, nhưng năm tới, nguy cơ thiếu vốn của VBSP sẽ rất gay gắt.

Sau 5 năm hoạt động, tổng nguồn vốn của VBSP lên tới 47.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Trong thời gian đó, VBSP triển khai 3 chương trình tín dụng ưu đãi nhận bàn giao từ Agribank, Kho bạc Nhà nước và Vietinbank cùng với 7 chương trình mới của Chính phủ giao.

“Miếng khi đói, bằng gói khi no”

Tại buổi họp báo mới đây của VBSP để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của ngân hàng này diễn ra vào ngày 8/9/2008, nhiều ý kiến cho rằng thành công lớn nhất của VBSP trong thời gian qua là đã chuyển tải khá hiệu quả nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng, nhất là hộ nghèo nông thôn, vùng sâu và vùng xa.

Bà Hà Thị Hạnh, Tổng giám đốc VBSP cho biết, từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay VBSP đã và đang thực hiện 14 chương trình tín dụng cấp quốc gia (10 trong nước và 4 quốc tế), toàn bộ số vốn được giao trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, không qua cầu cấp trung gian.

Bà Hạnh nói: “Tính đến 30/6/2008, tổng dư nợ của VBSP đạt 42.200 tỷ đồng, chúng tôi đã tập trung tới 90% tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, vùng nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm”.

Cũng nhờ những đồng vốn này, theo bà, đã có 9,1 triệu lượt hộ nghèo được vay, góp phần giúp 1,4 triệu hộ thoát nghèo; thu hút 1,9 triệu người lao động; 750 nghìn học sinh sinh viên  hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng hơn 820 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.

Điều đặc biệt là nợ xấu, nợ quá hạn giảm dần từ 13,75% khi nhận bàn giao đầu 2003 xuống còn 2% thời điểm cuối 2007; tỷ lệ sử dụng vốn đạt trên 95%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 95% số lãi phải thu.

Vẫn còn mối lo về vốn

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như thành công lớn nhất của VBSP trong 5 năm qua là đưa nguồn tín dụng ưu đãi này đến với đối tượng thụ hưởng một cách hiệu quả, an toàn thì tồn tại lớn nhất, theo ông Phạm Văn Thực, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là chưa xây dựng được một chiến lược nguồn vốn ổn định và lâu dài.

Hiện tại, việc bố trí vốn cho VBSP bao gồm vốn cho chương trình, vốn điều lệ, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất vẫn còn khoảng cách rất xa so với chương trình mà VBSP thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, dẫn tới chắp vá cho cả cơ quan chức năng và VBSP.

Theo bà Hà Thị Hạnh, cơ cấu nguồn vốn của VBSP hiện như sau: vốn điều lệ Nhà nước cấp 8 nghìn tỷ đồng (vẫn còn thiếu 10 nghìn tỷ đồng so với chỉ tiêu được cấp), vốn Chính phủ cấp cho chương trình dự án, vốn ngân sách địa phương tham gia khoảng 1.400 tỷ đồng, tổng cộng nguồn vốn nhà nước trung ương và địa phương chiếm 30%, còn 70% là vốn vay và huy động trên thị trường.

Chính vì 70% vốn phải huy động trên thị trường, VBSP phải trả chi phí vốn như thị trường. Còn phần lớn đều phải trả chi phí vốn cao nhưng việc cấp bù lãi suất từ ngân sách và vốn ngân sách “phập phù” nên VBSP không đủ nguồn để thực hiện các chương trình được giao và thường xuyên đôn đáo lấy chỗ nọ, đập chỗ kia, kia hết sức chắp vá.

Đặc biệt, trong số nguồn vốn chảy vào VBSP hiện nay, vẫn thiếu vắng vốn từ WB và ADB, mặc dù đây là những tổ chức tài chính quốc tế thường xuyên có nhiều chương trình từ thiện, ngoại trừ một dự án trồng rừng ở 4 tỉnh miền Trung trị giá 30 triệu USD mà VBSP đang tiếp cận từ WB.