22:08 12/01/2009

Ngân hàng “chơi đẹp”

Minh Đức

Các ngân hàng thương mại sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay trước hạn, một động thái san sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với các hợp đồng cũ - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với các hợp đồng cũ - Ảnh: Việt Tuấn.
Các ngân hàng thương mại sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay trước hạn, một động thái san sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Là bình thường nếu thu theo các điều khoản quy định tại hợp đồng, nhưng không hợp lý khi doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất vay vốn tới 21%/năm trong bối cảnh hoạt động khó khăn và lãi suất trên thị trường đã giảm mạnh.

Theo ý kiến của một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, nếu vì mục tiêu lợi nhuận mà cố theo đuổi cứng nhắc mức lãi suất ngất ngưởng đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng cũng khó.

Cụ thể hơn, như quan điểm của bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: “Doanh nghiệp sống thì ngân hàng mới sống. Doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó. Ai cũng thấm nhuần điều này!”.

Từng bước giảm lãi suất cho vay trước hạn

Lần thứ hai trong hơn một tháng qua, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) quyết định giảm lãi suất cho vay VND trước hạn cho các hợp đồng chịu lãi suất cao từ giữa năm. Qua lần điều chỉnh trong tháng 12 và đầu tháng 1 này, lãi suất vay vốn của các hợp đồng cũ tại DongA Bank cao nhất từ 21%/năm lần lượt giảm xuống còn 18%/năm và hiện còn 16,5%/năm.

Chiều 12/1, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho VnEconomy biết, từ 1/2 tới, mức 16,5%/năm sẽ tiếp tục giảm xuống 15%/năm. Và từ 1/3, lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ sẽ tiếp tục được giảm xuống. Riêng các đối tượng thuộc diện ưu đãi sẽ được hưởng các mức lãi suất thấp hơn.

“Chúng tôi sẽ lần lượt giảm dần qua các tháng, từng bước một, đối với tất cả các khách hàng vay vốn mà họ không cần phải làm đơn xin điều chỉnh. Việc giảm dần qua các tháng như vậy là căn cứ theo mức lãi suất huy động bình quân và tình hình hoạt động của ngân hàng”, ông Bình cho biết.

Ngoài DongA Bank, theo báo cáo từ tổ công tác đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại khác như Sacombank, Techcombank, VPBank… cũng đã chủ động giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với các hợp đồng cũ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vay vốn.

Cũng theo ông Trần Phương Bình, “lý do đơn giản là ngân hàng không thể chỉ vì lợi nhuận mà theo đuổi mức lãi suất quá cao, lợi nhuận đó là bất hợp lý. Và giảm khó khăn cho doanh nghiệp cũng là gián tiếp giảm khó khăn cho ngân hàng. Tất nhiên cần từng bước và có thời gian, không thể giảm mạnh ngay vì có thể lỗ”.

Ngoài chia sẻ về chi phí, một lý do khác mà lãnh đạo DongA Bank đề cập đến là những quyết định điều chỉnh nói trên cũng là giải pháp ổn định tâm lý khách hàng, tránh sự xáo trộn từ hoạt động trả nợ trước hạn đã thể hiện trong thời gian qua.

Sẽ diễn ra trên diện rộng

Trao đổi với VnEconomy chiều 12/1, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết xu hướng điều chỉnh lãi suất nói trên sẽ diễn ra trên diện rộng trong thời gian tới.

Ngoài những lý do mà đại diện phía ngân hàng đề cập, Chỉ thị số 06 ngày 31/12/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng là một cơ sở. Cụ thể, tại chỉ thị này, Thống đốc yêu cầu các thành viên “xem xét điều chỉnh áp dụng lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành”.

“Vấn đề hiện nay chủ yếu mang tính kỹ thuật, có từ thông tin “xem xét” đưa ra trong Chỉ thị số 06. Tức là các ngân hàng tùy theo sức khỏe của mình để xem xét giảm, có lộ trình chứ không thể giảm mạnh ngay một lúc, bởi chính sách này liên quan đến hàng nghìn hợp đồng tín dụng và khó khăn do phải huy động lãi suất cao trước đó”, bà Hương phân tích.

Mặt khác, quan điểm mà bà Hương đưa ra là “doanh nghiệp sống thì ngân hàng mới sống. Doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó. Ai cũng thấm nhuần điều này. Việc giảm lãi suất như vậy các ngân hàng cũng sẽ làm hết, thậm chí đã thực hiện trước khi Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị”.

Quan điểm của Hiệp hội Ngân hàng là kêu gọi các thành viên, tùy theo điều kiện của mình, giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với các hợp đồng cũ có lãi suất cao, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Ngày 8/1 vừa qua, Hiệp hội cũng đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng hội viên để xem xét vấn đề này. Bà Hương cho biết, hầu hết các ý kiến tại cuộc họp đều đồng ý với chủ trương giảm lãi suất và sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong thời gian tới.