15:01 18/05/2018

Ngân hàng đã "gỡ khó" cho người nuôi lợn thế nào?

Hà Vũ

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới là những giải pháp trong ngắn hạn

Theo Ngân hàng Nhà nước thì năm 2017 ngành chăn nuôi lợn phát triển quá nóng dẫn đến cung vượt cầu quá lớn, giá thịt lợn giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi.
Theo Ngân hàng Nhà nước thì năm 2017 ngành chăn nuôi lợn phát triển quá nóng dẫn đến cung vượt cầu quá lớn, giá thịt lợn giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới là những giải pháp trong ngắn hạn mà ngành ngân hàng đã thực hiện để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn trả nợ cho người chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Nội dung này được thể hiện tại văn bản của Ngân hàng Nhà nước trả lời cử tri tỉnh Tiền Giang về xem xét ban hành chủ trương khoanh nợ cho người vay tiền ngân hàng đầu tư nuôi lợn bị thua lỗ trong năm 2017.

Theo Ngân hàng Nhà nước thì năm 2017 ngành chăn nuôi lợn phát triển quá nóng dẫn đến cung vượt cầu quá lớn, giá thịt lợn giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi.

Văn bản trả lời dẫn quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, việc khoanh nợ được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại để báo cáo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, dư nợ bị thiệt hại sẽ được khoanh không tính lãi trong thời gian tối đa 2 năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ.

Đối với trường hợp người chăn nuôi lợn bị thiệt hại, không thuộc nguyên nhân khách quan, bất khả kháng hoặc dịch bệnh trên phạm vi rộng nên không được ngân hàng xem xét khoanh nợ theo quy định này.

Cơ quan trả lời cử tri cũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, giúp người dân giảm bớt khó khăn, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành về các giải pháp tổng thể để ngành chăn nuôi ổn định trước mắt và phát triển lâu dài. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, tiếp tục cho vay mới,... để người dân duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng có tờ trình báo cáo Thủ tướng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này của ngành, đồng thời kiến nghị Thủ tướng các giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn như công tác tổ chức sản xuất, công tác thị trường,..

Theo văn bản trả lời cử tri thì việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới là những giải pháp trong ngắn hạn mà ngành ngân hàng đã thực hiện để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn trả nợ cho người chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục có giải pháp tổng thể, để hướng dẫn các địa phương pháp triển chăn nuôi có hiệu quả, bền vững.