09:18 15/03/2012

“Ngân hàng hợp nhất” đầu tiên đang dần ổn định

Tú Uyên

Ngân hàng Thương mai Cổ phần Sài Gòn (SCB) hợp nhất đã chính thức hoạt động kể từ ngày 2/1/2012

Nằm trong chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sự kiện Ficombank, TinNghiaBank và SCB về một nhà được dự báo sẽ “mở đường” cho nhiều thương vụ hợp nhất khác.
Nằm trong chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sự kiện Ficombank, TinNghiaBank và SCB về một nhà được dự báo sẽ “mở đường” cho nhiều thương vụ hợp nhất khác.
“Hợp nhất là để phát huy thế mạnh lẫn nhau của các ngân hàng, đồng thời tiết giảm chi phí nhằm tạo ra một ngân hàng mới mạnh hơn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng khẳng định. Điều này phần nào đã được minh chứng qua thương vụ hợp nhất đầu tiên của ba ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB.

Ngân hàng Thương mai Cổ phần Sài Gòn (SCB) hợp nhất đã chính thức hoạt động kể từ ngày 2/1/2012. Sau khi hợp nhất, đây là một trong 5 ngân hàng thương mại lớn nhất tại Việt Nam, với vốn tự có đạt 10.584 tỷ đồng; tổng tài sản đã đạt gần 150.000 tỷ đồng; 230 điểm giao dịch và hơn 4.000 cán bộ nhân viên.
 
“Hiện tại, SCB đang từng bước giải quyết một số tồn đọng trước đây của ba ngân hàng tham gia hợp nhất, đồng thời cơ cấu lại toàn bộ mô hình tổ chức, bộ máy nhân sự, mạng lưới giao dịch để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Uông Văn Ngọc Ẩn, Tổng giám đốc SCB hợp nhất, nói.

Tính đến cuối tháng 2/2012, sau hai tháng đi vào hoạt động, tổng vốn huy động thị trường 1 của SCB đạt 79.818 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 68.768 tỷ đồng và lợi nhuận là 154 tỷ đồng.

So với quy mô vốn, con số 154 tỷ đồng lợi nhuận trong hai tháng của SCB hợp nhất không hẳn cao, tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua, ngân hàng này hầu như chỉ tập trung vào ổn định và củng cố hệ thống.

“SCB hay bất kỳ ngân hàng nào trong giai đoạn đầu của quá trình hợp nhất cần phải tập trung vào việc sắp xếp, tái cơ cấu lại mọi hoạt động. Thay vì đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng sẽ tập trung thu hồi những khoản nợ cũ, xem xét cho vay những khoản mới có hiệu quả và thuộc danh mục ngành nghề ưu tiên cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, SCB hợp nhất cũng đang hoạt động theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt với một cơ chế đặc biệt”, ông Ẩn cho biết thêm.

Nằm trong chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sự kiện Ficombank, TinNghiaBank và SCB về một nhà được dự báo sẽ “mở đường” cho nhiều thương vụ hợp nhất khác. Theo nguồn tin của VnEconomy, trong năm 2012 nhiều khả năng sẽ có thêm một số thương vụ hợp nhất trong ngành ngân hàng, trong đó, hai ngân hàng có trụ sở ở Tp.HCM hợp nhất với một ngân hàng có trụ sở ở phía Bắc, và hai ngân hàng nhỏ có trụ sở phía Bắc dự kiến tự nguyện hợp nhất.